Open navigation

Công văn 60968/CT-TTHT Chính sách thuế thu nhập cá nhân của người lao động nước ngoài

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 60968/CT-TTHT
V/v trả lời chính sách thuế

Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2017 

 

Kính gửi: Công ty TNHH Maruwn Logistics Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 7, tòa nhà Plaschem, số 562 Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội; MST: 0107956574

Trả lời công văn số số 02-CV/2017 ngày 22/8/2017 của Công ty TNHH Maruwn Logistics Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty) hỏi về chính sách thuế, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính:

+ Tại Điều 1 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014) quy định về người nộp thuế:

"...Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:

Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;

Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia ... ”

+ Tại Điều 2 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC) quy định về các khoản thu nhập chịu thuế:

"... 2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

...đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động.

...Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.”

- Tại Điều 7 Chương II quy định về căn cứ tính thuế đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công:

“Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất; cụ thể như sau:

1. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế theo hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư này trừ (-) các khoản giảm trừ sau:

a) Các khoản giảm trừ gia cảnh theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 9 Thông tư này.

b) Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 9 Thông tư này.

c) Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại khoản 3, Điều 9 Thông tư này.

2. Thuế suất

Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế lũy tiến từng phần quy định tại Điều 22 Luật Thuế thu nhập cá nhân ... ”

+ Tại Điều 25 quy định về khai thuế và chứng từ khấu trừ thuế:

“1. Khấu trừ thuế

...b) Thu nhập từ tiền lương, tiền công

...b.3) Đối với cá nhân là người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập căn cứ vào thời gian làm việc tại Việt Nam của người nộp thuế ghi trên Hợp đồng hoặc văn bản cử sang làm việc tại Việt Nam để tạm khấu trừ thuế theo Biểu lũy tiến từng phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam từ 183 ngày trong năm tính thuế) hoặc theo Biểu thuế toàn phần (đối với cá nhân có thời gian làm việc tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế). ... ”

+ Tại Điều 26 quy định về khai thuế, quyết toán thuế:

“…2. Khai thuế đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh

...đ) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập chỉ thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân đối với phần thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân nhận được từ tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

e) Nguyên tắc khai thuế, quyết toán thuế đối với một số trường hợp như sau:

e.1) Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tỉnh theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.”

- Căn cứ tiết b.1 Điểm b Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013:

“b.1) Hồ sơ khai thuế quý

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương; tiền công khai thuế quý trực tiếp với cơ quan thuế theo Tờ khai mẫu số 02/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC.”

- Căn cứ Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:

“1... Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyển phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chỉ để lập chứng từ chi tiền...

... 7. Các trường hợp khác:

Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:..

d) Các khoản thu hộ không liên quan đến việc bán hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh.”

Căn cứ các quy định trên:

1. Về thuế TNCN của người lao động nước ngoài:

Trường hợp người lao động nước ngoài được công ty mẹ tại Nhật Bản cử sang Việt Nam làm việc dài hạn (3 năm) đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú theo luật thuế TNCN tại Việt Nam, nhận tiền lương từ cả Công ty và Công ty mẹ tại Nhật Bản thì:

- Đối với thu nhập do Công ty chi trả: Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến từng phần.

- Đối với thu nhập do Công ty mẹ tại Nhật Bản chi trả: cá nhân trực tiếp khai thuế theo quý với Cục Thuế TP Hà Nội (mẫu số 02/KK-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC).

- Đối với tiền thuê nhà Công ty mẹ tại Nhật Bản chi trả hộ: nếu Công ty mẹ tại Nhật Bản và Công ty có thỏa thuận về việc Công ty mẹ tại Nhật Bản trả tiền thuê nhà cho người lao động (Công ty chi trả hộ sau đó Công ty mẹ tại Nhật Bản trả lại Công ty) thì cá nhân thì cá nhân người lao động nước ngoài có trách nhiệm kê khai cả khoản tiền thuê nhà này vào thu nhập tính thuế TNCN (theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC).

Khi quyết toán thuế TNCN, các cá nhân người lao động nước ngoài có trách nhiệm tổng hợp toàn bộ thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh trong kỳ tính thuế (bao gồm cả tiền thuê nhà tính vào thu nhập chịu thuế) để xác định số thuế TNCN phải nộp. Trường hợp phát sinh tiền thuế TNCN đã nộp tại Nhật Bản thì được trừ số thuế đã nộp ở Nhật Bản vào số thuế TNCN phải nộp tại Việt Nam. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài.

2. Chính sách thuế đối với khoản chi hộ - thu hộ tiền thuê nhà:

Trường hợp Công ty mẹ tại Nhật Bản và Công ty có thỏa thuận bằng văn bản về việc tiền thuê nhà cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ do Công ty mẹ tại Nhật Bản chi trả, Công ty đứng ra trả hộ khoản tiền thuê nhà này trước, sau đó Công ty mẹ tại Nhật Bản hoàn trả lại mà không ràng buộc bất kỳ trách nhiệm nào khác thì khi chi trả tiền thuê nhà Công ty sử dụng chứng từ chi tiền, khi nhận tiền thuê nhà từ Công ty mẹ tại Nhật Bản, Công ty sử dụng chứng từ thu tiền làm cơ sở hạch toán kế toán.

Công ty không phải kê khai, nộp thuế, không được khấu trừ, hạch toán chi phí đối với khoản thu hộ - chi hộ tiền thuê nhà nêu trên.

Cục thuế TP Hà Nội trả lời Công ty được biết và thực hiện./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng Kiểm tra thuế số 1;
- Phòng Pháp chế;
 - Lưu: VT,TTHT(2). 

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




 Mai Sơn

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.