Open navigation

Công văn 3136/HQHCM-TXNK Phân loại và chính sách thuế đối với mặt hàng rượu vang lên men từ nho có xuất xứ từ Úc

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC HẢI QUAN
 TP. HỒ CHÍ MINH

 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 3136/HQHCM-TXNK
V/v phân loại và chính sách thuế đối với mặt hàng rượu vang.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 10 năm 2020 

Kính gửi: Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ đầu tư Green Eco. 
(Đ/c: 111/7 Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận TâyQuận 1, Tp. Hồ Chí Minh)

Trả lời công văn không số ngày 14/10/2020 của Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ đầu tư Green Eco về việc phân loại và chính sách thuế đối với mặt hàng rượu vang lên men từ nho có xuất xứ từ Úc (Australia), Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:

1. Hướng dẫn phân loại hàng hóa:

Căn cứ quy định tại Điều 26 Luật Hải quan: “Phân loại hàng hóa để xác định mã số hàng hóa làm cơ sở tính thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóaKhi phân loại hàng hóa phải căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để xác định tên gọi, mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam”;

Căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ: “Việc phân loại hàng hóa căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu”;

Căn cứ Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa, phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

Căn cứ Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; Thông tư số 09/2017/TT-BTC ngày 15/02/2019 sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam;

Căn cứ nội dung nhóm 22.04: “Rượu vang làm từ nho tươi, kể cả rượu vang cao độ; hèm nho trừ loại thuộc nhóm 20.09”.

Tham khảo nội dung chú giải chi tiết HS 2017 nhóm 22.04:

“...(I) Rượu vang chế biến từ nho tươi

Rượu vang được phân loại trong nhóm này phải là sản phẩm cuối cùng từ quá trình lên men rượu của hèm nho tươi.

Nhóm này bao gồm:

(1) Rượu vang thông thường (vang đỏ, hồng hoặc trắng).

(2) Rượu vang được làm cao độ với cồn.

(3) Rượu vang nổ. Các loại rượu vang này được nạp thêm khí carbon dioxide, hoặc từ quá trình lên men cuối cùng trong bình kín (các loại rượu vang nổ chính hiệu), hoặc bằng cách nạp thêm khí nhân tạo sau khi đóng chai (các loại vang có ga).

Các loại rượu vang ngọt tráng miệng (đôi khi được gọi là rượu vang mùi). Các loại này có nồng độ cồn cao và thường thu được từ hèm có lượng đường cao, chỉ một phần của lượng đường này được chuyển hóa thành cồn trong khi lên men. Trong một số trường hợp các loại này được làm cao độ bằng cách cho thêm cồn, hoặc thêm hèm cô đặc pha thêm cồn. Các loại rượu vang ngọt tráng miệng (hoặc rượu mùi) này có thể kể đến canary, cyprus, lacryma christi, madeira, malaga, malmsey, marsala, port, samos và sherry...”.

Căn cứ theo các nội dung quy định về phân loại hàng hóa nêu trên, trường hợp xác định mặt hàng là rượu vang làm từ nho tươi thì phù hợp phân loại thuộc nhóm 22.04, mã số hàng hóa tùy vào nồng độ cồn và dung tích của đồ đựng.

Do Quý Công ty cung cấp không đủ thông tin cụ thể và mô tả chi tiết theo quy định tại điều 26 Luật Hải quan nên cơ quan hải quan chưa đủ cơ sở để hướng dẫn áp mã số hàng hóa chính xác. Để có cơ sở khai báo hải quan, đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định về phân loại hàng hóa nêu trên: căn cứ hồ sơ và các thông tin khác có liên quan đến hàng hóa thực tế nhập khẩu để phân loại, áp mã số phù hợp. Trường hợp cần thiết, Công ty liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để được hướng dẫn cụ thể.

2. Hướng dẫn thủ tục xác định định trước mã số hàng hóa:

Thủ tục và điều kiện xác định trước mã số quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ. Khoản 11, Điều 1 Nghị Định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ.

Hồ sơ xác định trước mã số thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo quy định trên, trường hợp Công ty làm thủ tục xác định trước mã số của hàng hóa nhập khẩu thì gửi hồ sơ đến Tổng cục Hải quan (theo địa chỉ: số 9, phố Dương Đình Nghệ, Quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) để được giải quyết theo đúng thẩm quyền.

3. Về chính sách thuế

Đối với mặt hàng rượu vang lên men từ nho có xuất xứ từ Úc (Australia) nhập khẩu vào Việt Nam để kinh doanh tiêu dùng thì các loại thuế phải nộp ở khâu nhập khẩu gồm: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).

3.1 Thuế suất thuế nhập khẩu:

Tính đến thời điểm hiện nay Úc (Australia) và Việt Nam đều là thành viên của 02 Hiệp định thương mại:

- Trường hợp hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O mẫu AANZ) theo Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do Asean- Australia - New Zealand giai đoạn 2018-2022 thì được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Nghị định số 158/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 do Chính phủ ban hành;

- Trường hợp hàng hóa đáp ứng quy tắc xuất xứ, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O mẫu CP.TPP) theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP.TPP) giai đoạn 2019-2022 thì được áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 do Chính phủ ban hành;

- Trường hợp hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ hoặc giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) không phù hợp theo các Hiệp định thương mại tự do dẫn trên thì áp dụng mức thuế suất ưu đãi: đề nghị Công ty tham khảo Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 do Chính phủ ban hành.

3.2 Thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt: đề nghị Công ty tham khảo Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành kèm Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 70/2014/QH13 và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt s 27/2008/QH12.

3.3 Thuế suất thuế Giá trị gia tăng: Công ty tham khảo Biểu thuế GTGT ban hành kèm Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng.

Trường hợp Công ty hỏi về các loại thuế sau khi thông quan lô hàng mà khách hàng phải trả khi mua hàng lẻ từ cửa hàng: do câu hỏi không rõ nên Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh không có căn cứ trả lời.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh trả lời để Quý Công ty được biết, nghiên cứu và thực hiện./.


Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Cục trưởng (để b/cáo);
- Các đ/c Phó Cục trưởng (để b/cáo);
 - Lưu: VT, TXNK. (Hạnh.03 bản)

TL. CỤC TRƯỞNG
KT. TRƯỞNG PHÒNG
PHÓ TRƯỞNG PHÒNG




 Nguyễn Quốc Toản

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.