TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1447/HQHCM-GSQL V/v thủ tục hàng tạm nhập tái xuất | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 2020 |
Kính gửi: Công ty TNHH Arrive Technologies Việt Nam.
(Lầu 10, E-Town 1, 364 Cộng Hòa, P13, Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh)
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh nhận được công văn số 01/05-CV/XNK/2020 ngày 13/5/2020 của Công ty TNHH Arrive Technologies Việt Nam về việc thủ tục chuyển giao đối với hàng tạm nhập tái xuất, Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh có ý kiến như sau:
Căn cứ Điều 29 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14/6/2005, tạm nhập, tái xuất hàng hóa là việc hàng hóa được đưa từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật vào Việt Nam, có làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và làm thủ tục xuất khẩu chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam.
Theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, thời hạn tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập thực hiện theo thỏa thuận của thương nhân với bên đối tác và đăng ký với cơ quan hải quan. Trường hợp cần kéo dài thời hạn tạm nhập, tạm xuất để sản xuất, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, thực hiện dự án, thử nghiệm theo thỏa thuận với bên đối tác thì người khai hải quan có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục tạm nhập, tạm xuất.
Trường hợp quá thời hạn tạm nhập, tạm xuất mà người khai hải quan chưa tái xuất, tái nhập thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp doanh nghiệp tạm nhập, tạm xuất có văn bản đề nghị bán, cho, tặng máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, phương tiện vận chuyển, khuôn, mẫu tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập để sản xuất, thi công công trình, thi công xây dựng, lắp đặt công trình thực hiện dự án, thử nghiệm thì phải làm thủ tục hải quan theo quy định.
Đối với hàng hóa tạm nhập thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải thực hiện thủ tục theo các nguyên tắc sau:
"a) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP;
b) Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới;
c) Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa;
d) Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định."
Trách nhiệm của người khai hải quan khi thực hiện khai thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa được quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
Cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh có ý kiến như trên để Quý Công ty nghiên cứu thực hiện. Trường hợp phát sinh vướng mắc, đề nghị Quý Công ty liên hệ với Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai để được hướng dẫn cụ thể.
Trân trọng./.
| TL. CỤC TRƯỞNG |