BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1662/TCHQ-TXNK V/v trả lời vướng mắc về việc xác định trị giá hải quan | Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2023 |
Kính gửi: Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
(Đ/c: Lô A2-3, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh)
Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 08/2023/UVI/PL đề ngày 16/3/2023 của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam về việc xác định trị giá hải quan đối với sản phẩm Sorbitol bị áp thuế chống bán phá giá. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Về trị giá hải quan:
- Việc xác định trị giá hải quan:
Khoản 1 Điều 86 Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014 quy định: “1. Trị giá hải quan được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.”
2. Trị giá hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 thì Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên được xác định bằng cách áp dụng tuần tự các phương pháp từ điểm a đến điểm e khoản 2 Điều này và dừng lại ở phương pháp xác định được trị giá hải quan.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 thì người khai hải quan tự kê khai, tự xác định trị giá hải quan theo các nguyên tắc và phương pháp xác định trị giá hải quan, chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính trung thực của các nội dung tự kê khai và tự xác định trị giá hải quan; nộp, xuất trình các chứng từ, tài liệu theo quy định.
Điều 25 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 quy định về kiểm tra trị giá hải quan. Theo đó, trong quá trình làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan, trị giá do người khai hải quan khai trên tờ khai hải quan, tờ khai trị giá hải quan trên cơ sở quy định về phương pháp xác định trị giá hải quan, kiểm tra trị giá hải quan. Trường hợp cơ quan hải quan có nghi vấn về trị giá do người khai hải quan kê khai thì thông báo để người khai hải quan chuẩn bị hồ sơ hải quan, các chứng từ, tài liệu liên quan để thực hiện tham vấn theo quy định. Qua tham vấn nếu đủ cơ sở bác bỏ trị giá thì cơ quan hải quan xác định trị giá theo quy định của pháp luật và ban hành Thông báo trị giá để doanh nghiệp thực hiện.
Theo trình bày của doanh nghiệp, Công ty đã khiếu nại lần 2 đối với việc xác định trị giá theo Thông báo số 3152/TB-ĐT ngày 29/11/2022 của Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2. Vì vậy, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh và cung cấp tài liệu, chứng từ có liên quan để chứng minh trị giá giao dịch theo quy định của Luật Khiếu nại.
- Việc sử dụng mức giá tham chiếu: Theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 thì mức giá tham chiếu là cơ sở để cơ quan hải quan so sánh, đối chiếu, kiểm tra trị giá khai báo của người khai hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan theo quy định; không sử dụng để áp đặt trị giá hải quan. Công văn số 4523/TCHQ-TXNK ngày 27/10/2022 của Tổng cục Hải quan là văn bản chỉ đạo nội bộ yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra trị giá hải quan đối với mặt hàng Sorbitol nhập khẩu, không sử dụng để áp đặt trị giá hải quan. Việc xác định trị giá hải quan căn cứ quy định của pháp luật.
2. Về thuế chống bán phá giá:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Quản lý ngoại thương thì các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì Bộ Công Thương quyết định việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ.
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-BCT ngày 23/11/2021 áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm Sorbitol có xuất xứ từ Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc.
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 39 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 23 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính thì căn cứ tính thuế chống bán phá giá trong trường hợp tính theo tỷ lệ phần trăm gồm: Số lượng đơn vị từng mặt hàng thực tế nhập khẩu ghi trong tờ khai hải quan áp dụng thuế chống bán phá giá, trị giá tính thuế nhập khẩu của từng mặt hàng nhập khẩu áp dụng thuế chống bán phá giá và mức thuế từng mặt hàng theo quy định; Số tiền thuế chống bán phá giá phải nộp được xác định căn cứ vào số lượng mặt hàng thực tế nhập khẩu, trị giá tính thuế và thuế suất thuế chống bán phá giá.
Căn cứ quy định nêu trên, Bộ Công Thương là cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá; người khai hải quan căn cứ số lượng mặt hàng thực tế nhập khẩu, trị giá tính thuế và thuế suất thuế chông bán phá giá để xác định số tiền thuế chống bán phá giá phải nộp. Đề nghị Công ty nghiên cứu quy định trên để thực hiện. Trường hợp có vướng mắc về việc áp dụng quy định về thuế chống bán phá giá thì đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Bộ Công Thương để được hướng dẫn cụ thể.
Tổng cục Hải quan trả lời để Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |