BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4639/BKHĐT-QLĐT V/v tổng hợp, phân loại vướng mắc trong quá trình triển khai dự án BT chuyển tiếp và đề xuất phương án xử lý | Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2023 |
Kính gửi: | - Các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tư pháp; |
Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội và Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì nội dung rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm đối với dự án BT.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, căn cứ báo cáo của các địa phương về tình hình thực hiện dự án PPP năm 2022 (trong đó có dự án BT)1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp khoảng 143 dự án BT đang triển khai trên cả nước, từ đó sơ bộ phân loại thành 03 nhóm vướng mắc và đề xuất phương án xử lý đối với từng nhóm vướng mắc (Chi tiết tại Phụ lục kèm theo).
Để có cơ sở tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Chính phủ theo nhiệm vụ được giao, đề nghị quý Cơ quan rà soát vướng mắc trong quá trình triển khai từng dự án BT của địa phương/cơ quan mình, bổ sung các vướng mắc khác (nếu có) và đề xuất phương án xử lý đối với từng dự án. Công văn của quý Cơ quan đề nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đấu thầu) trước ngày 20/6/2023.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
VƯỚNG MẮC TRONG QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI DỰ ÁN BT VÀ PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ
(Kèm theo công văn số 4639/BKHĐT-QLĐT ngày 15/6/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
1. Các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án BT
a) Nhóm 1: Vướng mắc phát sinh từ quy định của Luật về thanh toán cho nhà đầu tư
- Một số dự án có giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT (lớn hơn gấp 2 đến 3 lần), không bảo đảm nguyên tắc ngang giá theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
- Chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định nguồn vốn bố trí kinh phí bồi thường cho nhà đầu tư có dự án BT phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng.
- Chưa xác định được cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục thanh toán đối với các dự án BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước.
- Vướng mắc trong quy định pháp lý về việc sử dụng quỹ đất công nằm xen kẽ với đất của các hộ dân chưa giải phóng mặt bằng để thanh toán cho nhà đầu tư.
b) Nhóm 2: Vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở cấp Nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất
- Dự án BT sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng hoặc trụ sở cơ quan Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, do quy định còn có cách hiểu chưa thống nhất nên chưa đủ cơ sở để Thủ tướng Chính phủ quyết định.
- Chưa xác định được cơ sở pháp lý để thực hiện thủ tục điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, sửa đổi hợp đồng.
- Chưa xác định được cơ sở pháp lý để xử lý phần kinh phí nhà đầu tư đã ứng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định của quỹ đất đối ứng.
c) Nhóm 3: Vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng
- Một số địa phương chậm trễ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện dự án làm phát sinh chi phí đầu tư, gia tăng khoản lãi vay trong thời gian thực hiện dự án và làm tăng giá trị các dự án BT.
- Nhà đầu tư chưa nộp giá trị nộp ngân sách đã chào tại hồ sơ dự thầu.
- Do quy hoạch ngành có sự thay đổi, một số dự án đã dừng thực hiện và đang đàm phán với nhà đầu tư về thủ tục chấm dứt, thanh lý hợp đồng.
2. Dự kiến phương án xử lý đối với các vướng mắc
- Vướng mắc thuộc Nhóm 1 phát sinh từ quy định của Luật, có yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp hợp đồng, vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ. Do vậy, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
- Vướng mắc thuộc Nhóm 2 phát sinh từ quy định tại các Nghị định thuộc thẩm quyền xử lý của Chính phủ. Do vậy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan, gồm: Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.
- Các vướng mắc trong Nhóm 3 đều thuộc thẩm quyền của cơ quan ký kết hợp đồng; do vậy, các cơ quan cần chủ động xử lý theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án./.
1 Các địa phương báo cáo theo yêu cầu tại công văn số 1169/BKHĐT-QLĐT ngày 21/02/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư