Open navigation

Công văn 9189/VPCP-KGVX ngày 23/11/2023 Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT_TW

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9189/VPCP-KGVX

V/v Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2023

 

Kính gửi:

Đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng
 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (Chỉ thị số 29-CT/TW) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị, Thường trực Chính phủ có ý kiến như sau:

1. Đánh giá cao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan tổ chức, triển khai công tác tổng kết bảo đảm nghiêm túc, đúng Kế hoạch, đạt chất lượng. Cơ bản nhất trí với các đánh giá trong Báo cáo về kết quả đạt được và các hạn chế, tồn tại, nguyên nhân trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.

2. Trong thời gian tới, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để đảm bảo khắc phục có hiệu quả các hạn chế, tồn tại trong thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, thích ứng tình hình mới và những thách thức, khó khăn trong thời gian tới, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm các nội dung sau đây:

a) Về Báo cáo và dự thảo Tờ trình:

- Đánh giá thêm về những chuyển biến tích cực, thực tế của người sử dụng lao động, người lao động trong việc chấp hành các quy định về phòng ngừa, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

- Nêu rõ sự cần thiết xây dựng, ban hành Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị số 29- CT/TW trong dự thảo Tờ trình Ban Bí thư; đồng thời nêu bật được những nội dung mới của Chỉ thị.

b) Về nội dung của dự thảo Chỉ thị, đề nghị nghiên cứu:

- Nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: (i) Công tác an toàn, vệ sinh lao động phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước, sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. (ii) Chăm lo cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh lao động là một trong những nhiệm vụ trọng yếu để phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động. (iii) Lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu trong xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. (iv) Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động, tích cực phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Nhiệm vụ, giải pháp cần cụ thể, rõ ràng, khả thi, trong đó nhấn mạnh các nội dung sau đây: (i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. (ii) Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế cho công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. (iii) Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, thanh tra lao động, thanh tra an toàn, vệ sinh lao động các cấp. (iv) Chú trọng công tác phối hợp trong quản lý, kiểm tra thực hiện an toàn lao động, vệ sinh lao động giữa các ngành, lĩnh vực: Lao động - Y tế - Bảo vệ môi trường.

- Về tổ chức, thực hiện: Tăng cường và đề cao trách nhiệm của các Ban cán sự đảng, tỉnh ủy, đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đối với công tác này.

3. Giao đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến góp ý của Thường trực Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ tổng kết, dự thảo Tờ trình, dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới”, gửi Văn phòng Trung ương Đảng đúng thời hạn và báo cáo tại cuộc họp Ban Bí thư.

Văn phòng Chính phủ thông báo để đồng chí Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội biết, chỉ đạo thực hiện./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Phó TTgCP (để báo cáo);
- Các Bộ: LĐTBXH, Y tế, CT, XD;
- BCSĐ Bộ LĐTBXH;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Nguyễn Sỹ Hiệp, Trợ lý TTg, các Vụ: CN, QHĐP;
 - Lưu: VT, KGVX (2b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




 Nguyễn Sỹ Hiệp

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.