Open navigation

Công văn 6634/BCT-TTTN ngày 27/09/2023 Đăng tải báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định 59_2006_NĐ-CP và 43_2009_NĐ-CP

BỘ CÔNG THƯƠNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6634/BCT-TTTN

V/v đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý về dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 và Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009

Hà Nội, ngày 27 tháng 9 năm 2023 

 Kính gửi: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Để bảo đảm việc xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12 tháng 6 năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (gọi là Nghị định số 59/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP (gọi là Nghị định số 43/2009/NĐ-CP), theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị Quý Cơ quan:

Đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP (nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý xin gửi kèm theo), trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ theo quy định để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết và tham gia ý kiến.

Mọi chi tiết đề nghị liên hệ Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại: 024.22205359, (email: trungdt@moit.gov.vn, phuongntl@moit.gov.vn.).

Trân trọng./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTr. Đỗ Thắng Hải (để b/c);
- Vụ Pháp chế (để p/h);
- Cổng thông tin điện tử BCT (để đăng);
 - Lưu: VT, TTTN.

TL. BỘ TRƯỞNG
K.T. VỤ TRƯỞNG
VỤ THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
PHÓ VỤ TRƯỞNG




 Hoàng Anh Tuấn



BỘ CÔNG THƯƠNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2023 

 BÁO CÁO

TỔNG HỢP TIẾP THU, GIẢI TRÌNH Ý KIẾN GÓP Ý XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH BÃI BỎ NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2006/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH, HẠN CHẾ KINH DOANH VÀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 43/2009/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 5 NĂM 2009 CỦA CHÍNH PHỦ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 59/2006/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 6 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HÀNG HÓA, DỊCH VỤ CẤM KINH DOANH, HẠN CHẾ KINH DOANH VÀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN

Sau hai lần xin ý kiến các Bộ, ngành, các đơn vị liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, một lần họp Ban Soạn thảo, Tổ biên tập; đồng thời xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin Bộ Công Thương về việc góp ý đối với Dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (Nghị định số 59/2006/NĐ-CP) và Nghị định 43/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP (Nghị định 43/2009/NĐ-CP). Trên cơ sở tổng hợp, rà soát, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các tổ chức, cá nhân, Bộ Công Thương báo cáo tổng hợp các ý kiến góp ý và giải trình của Bộ Công Thương như sau (chi tiết tại các Phụ lục Bảng tổng hợp ý kiến xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP đính kèm):

1. Đề xuất bãi bỏ Nghị định 59/2006/NĐ-CP

Có 25 đơn vị (14 Bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, UBTW mặt trận tổ quốc Việt Nam và 8 đơn vị thuộc Bộ Công Thương) và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều nhất trí với đề xuất xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP bởi các lý do sau:

(i) Điều 25 Luật Thương mại 2005 của Chính phủ quy định về hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện. Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Mặc dù Nghị định 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại nhưng Luật Thương mại 2005 ban hành trước Hiến pháp 2013. Theo đó, các quy định liên quan đến hạn chế quyền của công dân đều quy định tại văn bản cấp luật. Như vậy, Nghị định 59/2006/NĐ-CP ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh là chưa phù hợp về mặt thẩm quyền ban hành theo quy định tại Hiến pháp 2013;

(ii) Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP được ban hành khá lâu nên có nhiều nội dung không còn phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Quốc hội đã thông qua nhiều Luật mới liên quan đến hoạt động thương mại, như: Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Nhà ở năm 2014...

Sau khi Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực, các quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP không còn phù hợp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư 2020:

“Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư và luật khác đã được ban hành trước ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh hoặc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Quy định về tên ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong các luật khác phải thống nhất với Điều 6 và các Phụ lục của Luật Đầu tư.”

Như vậy, tên gọi của hàng hóa, dịch vụ liệt kê tại các Danh mục của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP là chưa phù hợp với nguyên tắc về tên gọi theo quy định tại Luật Đầu tư 2020. Các quy định về ngành, nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện sẽ áp dụng theo quy định tại Luật Đầu tư 2020;

(iii) Phụ lục về Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Bộ, ngành tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP có nội dung chỉ dẫn đến các văn bản chuyên ngành quy định cụ thể về từng loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, đến nay, các văn bản chuyên ngành này phần lớn đều đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế mà Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP vẫn chưa được sửa đổi đã gây ra sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây lúng túng trong việc áp dụng các quy định của pháp luật.

Hiện nay, một số hàng hóa, dịch vụ quy định tại các Danh mục của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP không được quy định hoặc đã sửa đổi tại Luật Đầu tư 2020, các Luật chuyên ngành và Nghị định hướng dẫn Luật. Việc tồn tại các Danh mục này đưa đến những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp bởi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP vẫn đang còn hiệu lực thi hành;

(iv) Tên gọi của một số cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Thủy sản... đã không còn phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Một số ý kiến khác

Bên cạnh việc nhất trí bãi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP (như đã báo cáo ở trên). Một số bộ, ngành có một số ý kiến bổ sung. Bộ Công Thương tiếp thu và có ý kiến giải trình như sau:

(i) Kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương: nghiên cứu, rà soát và đánh giá nội dung (trong đó làm rõ các yêu cầu về đối tượng điều chỉnh của văn bản không còn; toàn bộ quy định của văn bản trái, chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Đầu tư và các VBQPPL khác có liên quan); có báo cáo đánh giá tác động nhằm bảo đảm sự phù hợp của đề xuất bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP; rà soát các Danh mục hàng hóa, dịch vụ tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP bảo đảm các ngành, nghề này được quy định đầy đủ trong Luật Đầu tư và văn bản pháp luật chuyên ngành:

Giải trình Bộ Công Thương

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, các đơn vị có liên quan rà soát các Danh mục hàng hóa, dịch vụ (quy định tại các Phụ lục của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP) thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của từng bộ, ngành; đồng thời xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trên cổng thông tin điện tử Chính phủ; cổng thông tin Bộ Công Thương cũng như lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ghi nhận, tổng hợp, rà soát, tiếp thu các ý kiến góp ý (chi tiết tại các Bảng tổng hợp ý kiến xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP).

Qua rà soát, hầu hết các Danh mục các hàng hóa, dịch vụ (quy định tại Phụ lục của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của từng bộ ngành đã được sửa đổi tại Luật Đầu tư 2020, các Luật chuyên ngành và Nghị định hướng dẫn Luật. Hơn nữa, việc quy định các Danh mục tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP là chưa bảo đảm tính hợp lý do các quy định này thực chất chỉ là sự tập hợp lại, liệt kê chi tiết các quy định của VBQPPL chuyên ngành quy định đối với từng ngành, nghề, lĩnh vực. Do vậy, tất cả các đơn vị tham gia có ý kiến đều nhất trí với đề xuất bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP, trong đó đã làm rõ kết quả đạt được cũng như các hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP, đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị hướng xử lý (Bộ Công Thương sẽ bổ sung Báo cáo đánh giá này vào thành phần Hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định và hồ sơ trình Chính phủ).

(ii) Kiến nghị của một số cơ quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp) đề nghị Bộ Công Thương: rà soát các Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện không có trong Luật Đầu tư và luật chuyên ngành để đưa vào luật hiện hành cho phù hợp; rà soát kỹ danh mục hàng hóa liên quan đến thuốc thú y, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thủy sản cấm khai thác, thuốc lá điếu, xì gà; nghiên cứu đề xuất bổ sung mặt hàng thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử vào Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Giải trình Bộ Công Thương

Hiện nay, ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Điều 6, Điều 7 và các Phụ lục của Luật Đầu tư 2020. Trong quá trình tổng hợp lấy ý kiến xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP, Bộ Công Thương đã đề nghị các bộ, ngành và đơn vị liên quan chủ động rà soát, nghiên cứu các Danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, ngành để kịp thời đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung vào Danh mục của Luật Đầu tư, bảo đảm sự thống nhất.

(iii) Kiến nghị của Bộ Y tế:

- Đối với mặt hàng “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu”: tại Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về hành vi bị nghiêm cấm: mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu. Bộ Y tế đề nghị lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Công an trong trường hợp bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP thì có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự không?

Giải trình Bộ Công Thương: Việc xử lý nhập lậu các hàng hóa này đã được quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Đề nghị bổ sung mặt hàng: “Thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác có sử dụng dung dịch chứa nicotine và thiết bị điện tử” vào Danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh tại Luật Đầu tư 2020 để có căn cứ xử lý vi phạm.

Giải trình Bộ Công Thương: Về vấn đề này, hiện Bộ Công Thương đang rà soát, nghiên cứu để đưa mặt hàng này vào quản lý tại Nghị định chuyên ngành.

(iv) Kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, theo đó: “thương nhân kinh doanh phải có Giấy phép kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật. Việc bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP sẽ có tác động đến các đối tượng này. Do vậy, đề nghị nghiên cứu quy định chuyển tiếp đối với các trường hợp đã được cấp Giấy phép theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP”.

Giải trình của Bộ Công Thương

Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định số 43/2009/NĐ-CP ban hành “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện”, theo đó chỉ quy định các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện chứ không quy định các điều kiện về kinh doanh và thành phần hồ sơ (có phát sinh thủ tục hành chính). Việc thực hiện các quy định về cấp Giấy phép đối với các loại hàng hóa, dịch vụ này đã có trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.

(v) Kiến của Bộ Quốc phòng

Tại cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP, Bộ Quốc Phòng có ý kiến đề nghị chuyển Bộ Tư pháp để tổng hợp các nội dung liên quan đến việc bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP, đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì.

Giải trình của Bộ Công Thương

Như đã đề cập ở trên, Bộ Công Thương được giao là cơ quan chủ trì nghiên cứu việc bãi bỏ “Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện” tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP theo Quyết định số 889/QĐ-TTg. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị chủ trì đã phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện các bước xây dựng Nghị định bãi bỏ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Nghị định 43/2009/NĐ-CP, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong áp dụng các chính sách pháp luật có liên quan và theo đúng tiến độ./.

[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.