Open navigation

Quyết định 3222/QĐ-BCT ngày 29/11/2022 Phê duyệt Định hướng Chương trình kiểm tra năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường

BỘ CÔNG THƯƠNG
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 3222/QĐ-BCT

Hà Nội,ngày 09 tháng 12 năm 2024

 QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH KIỂM TRA NĂM 2025 CỦA TỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; Nghị định số 105/2024/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương và Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lượng Quản lý thị trường; Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10 tháng 12 năm 2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường;

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đặc biệt chú trọng đến những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Định hướng chương trình kiểm tra năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lãnh đạo Bộ;
- Vụ PC, TTB;
- Các Cục: CT, HC, ATMT, ĐTĐL, CN, TMĐT;
- Các đơn vị thuộc Tổng cục QLTT;
 - Lưu: VT, TCQLTT (2).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Nguyễn Sinh Nhật Tân



ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH KIỂM TRA NĂM 2025 CỦA TỔNG CỤC QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG
(Kèm theo Quyết định số 3222/QĐ-BCT ngày 09 tháng 12 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

I. CĂN CỨ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Căn cứ

- Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;

- Pháp lệnh Quản lý thị trường ngày 08 tháng 3 năm 2016;

- Nghị định số 33/2022/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Quản lý thị trường;

- Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg ngày ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương;

- Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường; Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10 tháng 12 năm 2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường;

- Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2. Mục đích

- Bảo đảm sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh; đấu tranh hiệu quả với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để góp phần phát triển sản xuất trong nước, bình ổn thị trường, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Nhằm đánh giá tình hình thực thi các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh của tổ chức, cá nhân; tổng kết, đánh giá, hướng dẫn các Cục Quản lý thị trường trong công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực nêu trên; biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các yếu kém, sai sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thông qua công tác kiểm tra định kỳ, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức và cá nhân kinh doanh.

- Qua kiểm tra phát hiện những bất cập trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phát huy nhân tố tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

3. Yêu cầu

- Hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

- Mọi hành vi vi phạm đều phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời công tác kiểm tra, xử phạt phải gắn với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với nhóm đối tượng được kiểm tra.

- Việc kiểm tra không gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ; đảm bảo các hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp được diễn ra bình thường.

- Việc triển khai tổ chức kiểm tra có kế hoạch cụ thể, nội dung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; việc đánh giá, kết luận kiểm tra phản ánh thực tế khách quan, trung thực và đảm bảo công bằng.

- Nhận định, đánh giá phân tích những nội dung cần quan tâm trong chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực; kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác quản lý thị trường trong thời gian tiếp theo.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất, kiểm tra chuyên đề; tập trung giám sát, kiểm tra trong thương mại điện tử.

- Xây dựng Kế hoạch kiểm tra định kỳ trên cơ sở quy mô địa bàn, số lượng kiểm soát viên thị trường của từng đơn vị; tập trung vào một số lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm để tổ chức thực hiện đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Đối tượng kiểm tra

- Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương;

- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh rượu, nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá;

- Tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí;

- Tổ chức cá nhân kinh doanh hóa chất;

- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên thị trường về: mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; hàng điện tử, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, vàng, đường cát.

2. Nội dung kiểm tra

a) Việc chấp hành quy định về đăng ký kinh doanh;

b) Việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh và hoạt động kinh doanh đối với lĩnh vực, mặt hàng;

c) Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hóa đơn, chứng từ có liên quan;

d) Việc chấp hành quy định về nhãn hàng hóa, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ và các quy định của pháp luật có liên quan;

đ) Việc chấp hành Quy định của pháp luật về thương mại điện tử và sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh.

e) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

3. Thời gian kiểm tra

a) Thời gian: bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 và kết thúc trước ngày 15 tháng 11 năm 2025;

b) Căn cứ thời gian nêu trên, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với đối tượng cụ thể được kiểm tra theo quy định.

III. TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

1. Tổ chức lực lượng, công tác phối hợp

a) Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc: Thanh tra Bộ, Vụ Thị trường trong nước, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Hóa chất, Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Cục Phòng vệ thương mại, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và các cơ quan, đơn vị chức năng như: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thanh tra Y tế... để rà soát, lập kế hoạch và triển khai nhiệm vụ.

b) Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, các lực lượng chức năng trên địa bàn như: Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội Biên phòng... và các đơn vị, tổ chức khác có liên quan để rà soát, lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

2. Kinh phí, phương tiện, điều kiện phục vụ kiểm tra

a) Kinh phí thực hiện Định hướng chương trình kiểm tra năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường được bảo đảm từ ngân sách nhà nước.

b) Phương tiện, điều kiện phục vụ kiểm tra phải được xây dựng cụ thể, chi tiết đối với từng vụ việc để đảm bảo tổ chức thực hiện có hiệu quả.

c) Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường sử dụng trang thiết bị, phương tiện làm việc đã được trang cấp phục vụ cho việc thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 của đơn vị mình.

3. Tổ chức thực hiện

3.1 Phân công trách nhiệm

a) Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường

Căn cứ yêu cầu công tác quản lý thị trường liên tuyến, liên tỉnh, các nhóm hành vi vi phạm, mặt hàng liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều lực lượng chức năng và nội dung của Định hướng chương trình kiểm tra năm 2025, thực hiện rà soát, tổng hợp danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm, địa chỉ kinh doanh được kiểm tra theo kế hoạch và xây dựng, trình Tổng cục trưởng xem xét, phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ của đơn vị trước ngày 08 tháng 12 năm 2024.

b) Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác quản lý thị trường trên địa bàn và Định hướng chương trình kiểm tra năm 2025, yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, tổng hợp, đề xuất danh sách cụ thể tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm, địa chỉ kinh doanh được kiểm tra, thời điểm kiểm tra dự kiến, nội dung kiểm tra phù hợp với từng nhóm đối tượng, mặt hàng, lĩnh vực kiểm tra, dự kiến thành phần lực lượng kiểm tra bao gồm cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp kiểm tra và thời gian thực hiện kế hoạch; xây dựng, trình Tổng cục trưởng xem xét, phê duyệt kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 của đơn vị trước ngày 08 tháng 12 năm 2024 theo quy định.

c) Vụ Thanh tra - Kiểm tra

Rà soát, tham mưu Tổng cục trưởng phê duyệt Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 và sửa đổi, bổ sung Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 của các đơn vị trong quá trình thực hiện; tham mưu Tổng cục trưởng chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 và tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra theo Kế hoạch của các đơn vị.

3.2 Chế độ báo cáo

Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2025 về Tổng cục Quản lý thị trường (Vụ Thanh tra - Kiểm tra) trước ngày 15 tháng 11 năm 2025 hoặc đột xuất theo yêu cầu để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ. Báo cáo nêu rõ kết quả thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị giải pháp./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.