Open navigation

Công văn 724/BCT-KHCN Thực hiện Thông tư 37_2015_TT-BCT


BỘ CÔNG THƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 724/BCT-KHCN

V/v thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BCT

Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2016


Kính gửi: Tổng cục Hải quan


Trả lời Công văn số 111/TCHQ-GSQL ngày 06 tháng 01 năm 2016 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may (Thông tư số 37/2015/TT-BCT), Bộ Công Thương có ý kiến như sau:

  1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1, Thông tư số 37/2015/TT-BCT)

    Điều 1, Khoản 1 Thông tư số 37/2015/TT-BCT đã quy định cụ thể; “Thông tư này quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Danh mục sản phẩm dệt may được quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này”. Như vậy các sản phẩm không tiêu thụ trên thị trường Việt Nam và các sản phẩm không quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư không phải đối tượng điều chỉnh của Thông tư, hay nói một cách khác các sản phẩm này không phải thực hiện kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy định tại Thông tư.

    Thông tư số 37/2015/TT-BCT không quy định đối với các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư để đảm bảo nguyên tắc “luật cho phép làm những gì không cấm”.

    Đối với các đối tượng là các mặt hàng, sản phẩm, nguyên liệu dệt may nhập khẩu theo các hình thức gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, các sản phẩm là nguyên liệu của doanh nghiệp chế xuất, được chia thành 02 trường hợp:

    • Trường hợp 1: Nếu các sản phẩm thuộc đối tượng này không được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, người dân Việt nam không sử dụng thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư;

    • Trường hợp 2: Nếu các sản phẩm thuộc đối tượng này sau khi xuất khẩu còn dư hoặc khi xuất khẩu không đạt yêu cầu của nước nhập khẩu, quay lại tiêu thụ trong nước, thì phải kiểm tra theo quy định tại Thông tư.

  2. Về việc quy định mã HS đối với sản phẩm: Sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất (Điều 1, Thông tư số 37/2015/TT-BCT)

    Thông tư số 37/20215/TT-BCT đã quy định cụ thể danh mục sản phẩm dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo theo mã HS được quy định tại Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 01 tháng 7 năm 2015 của Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Mã HS được quy định theo nguyên tắc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định chung về mã HS của Việt Nam và các nước.

  3. Về quy định lấy mẫu (Điều 9, Thông tư số 37/2015/TT-BCT)

    Tại điểm c, Khoản 1, Điều 9, Thông tư số 37/2015/TT-BCT “Quy cách lấy mẫu” đã quy định:


    Đối với sản phẩm may, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí bằng da tổng hợp trên sản phẩm may và sản phẩm đặc thù có bề mặt bằng vật liệu dệt đã gắn vào sản phẩm như thảm, rèm, đệm giường, đệm sofa, ghế: Lấy mẫu sản phẩm từ lô hàng, hoặc;

    Mẫu vật liệu, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí do nhà sản xuất cung cấp kèm theo văn bản xác nhận (bản chính có đóng dấu và chữ ký của đại diện nhà sản xuất hoặc bên bán hàng) các mẫu được lấy là vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm trên.

  4. Về nội dung đưa hàng về kho bảo quản (Điều 12, Thông tư số 37/2015/TT-BCT)

    Bộ Công Thương thống nhất với Tổng cục Hải quan: Việc đưa hàng về bảo quản đối với hàng hóa phải kiểm tra chất lượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

    Bộ Công Thương sẽ tiến hành các thủ tục để đính chính nội dung này.

  5. Về quy định chuyển tiếp (Điều 18, Thông tư số 37/2015/TT-BCT)

Điều 18, Thông tư số 37/2015/TT-BCT “Quy định chuyển tiếp”, được hiểu như sau:

  • Đối với các tổ chức đã được chỉ định kiểm tra hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may theo quy định tại Thông tư số 32/2009/TT-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2009 của Bộ Công Thương được tiếp tục tham gia hoạt động giám định đối với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may theo quy định tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT đến hết thời hạn hiệu lực tại Quyết định chỉ định nhưng không quá ngày 30 tháng 6 năm 2016. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2016, cơ quan Hải quan chỉ công nhận các kết quả kiểm tra do các tổ chức này thực hiện khi các tổ chức này cung cấp được Quyết định để minh chứng đã được Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền kiểm tra nhà nước đối với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may theo quy định tại Thông tư số 37/2015/TT-BCT.

  • Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm dệt may: Từ ngày 15 tháng 12 năm 2015 phải thực hiện việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo cho sản phẩm dệt may do đơn vị mình nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 37/2015/TT- BCT.

Trên đây là ý kiến có liên quan đến việc thực hiện Thông tư số 37/2015/TT-BCT, Bộ Công Thương kính gửi Tổng cục Hải quan để phối hợp thực hiện./.



Nơi nhận:

  • Như trên;

  • Lưu: VT, KHCN.

TL. BỘ TRƯỞNG

KT. VỤ TRƯỞNG VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 PHÓ VỤ TRƯỞNG



Phạm Thu Giang

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.