BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5303/BNN-TCTS V/v cung cấp thông tin về một số loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại | Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2018 |
Kính gửi: Bộ Tài nguyên và Môi trường
Phúc đáp Công văn số 2656/BTNMT-TCMT ngày 24/5/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát thông tin về một số loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
1. Cá sấu Cu ba (Crocodylus rhombifer), cá chim trắng toàn thân (Piaractus brachypomus), cá trôi Nam Mỹ (Prochilodus lineatus)
Hiện tại, các đối tượng trên chưa được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất kinh doanh.
2. Cá chim trắng (Colossoma branchypomum Cuvier 1818)
- Cá chim trắng (Colossoma branchypomum Cuvier 1818) thuộc Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là đối tượng ngoại lai, được các cơ quan nghiên cứu di nhập vào nước ta và đã trở thành đối tượng nuôi truyền thống. Các cơ quan nghiên cứu đã triển khai nhiều đề tài/dự án nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh sản, quy trình nuôi thương phẩm... Cá chim trắng đã được sinh sản nhân tạo, nhân giống thành công, được nuôi tại các ao hồ nước ngọt của nước ta, có thể nuôi ghép cá chim trắng với một số đối tượng khác.
- Năm 2014, theo yêu cầu quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam: TCVN 10463 : 2014 về Cá nước ngọt - Giống cá chim trắng (Colossoma branchypomum Cuvier 1818) - Yêu cầu kỹ thuật (gồm cá chim bố mẹ và cá chim giống).
3. Cá hoàng đế (Cichla ocellaris)
Cá hoàng đế thuộc Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam với mục đích làm cảnh (Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Cá hoàng đế chưa được sinh sản nhân tạo tại nước ta, chủ yếu được nhập khẩu và phân phối cho các cửa hành kinh doanh cá cảnh. Theo thống kê năm 2012 của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, cá hoàng đế là một trong 24 loài được nhập khẩu về nước ta với mục đích làm cảnh.
4. Cá rô phi đen (Oreochromis mossambicus)
- Cá rô phi đen thuộc Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đây là một trong ba loài cá rô phi được nuôi phổ biến ở nước ta là cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus), cá diêu hồng/cá rô phi đỏ (Oreochromis sp). Hiện nay, cá rô phi đen chủ yếu được nuôi trong hai hệ thống ao đầm và lồng bè, cá rô phi có thể nuôi đơn hoặc nuôi ghép với các các đối tượng nuôi khác.
- Theo số liệu điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản năm 2014, diện tích nuôi cá rô phi toàn quốc là 25.748 ha, sản lượng đạt 187.800 tấn.
5. Cá trê phi (Clarias gariepinus)
- Cá trê phi thuộc Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 57/2008/QĐ-BNN ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cá trê phi là một trong bốn loài cá trê được nuôi nhiều ở nước ta gồm: cá trê phi trắng (Clarias batrachus), cá trê phi vàng (Clarias macrocephalus) và cá trê phi lai (là con lai giữa cá trê phi đực và cá trê vàng cái).
- Cá trê phi được sinh sản nhân tạo, nhân giống thành công tại nước ta và nuôi chủ yếu theo hình thức nuôi đơn trong ao đất hoặc nuôi trong bể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát./.
Nơi nhận: - Như trên; - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c); - Vụ KHCN&MT; - Lưu: VT, TCTS (07 bản). | KT. BỘ TRƯỞNG |