BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9259/BTC-QLG V/v tham gia ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2023 |
Kính gửi: Bộ Công Thương
Phúc đáp công văn số 4583/BCT-ĐTĐL lấy ý kiến về dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (gọi là Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ), căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Tại công văn số 4583/BCT-ĐTĐL ngày 13/7/2023 Bộ Công Thương chỉ gửi kèm dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg không có tài liệu tổng kết thi hành Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, cũng như đánh giá tác động của từng chính sách trong dự thảo Quyết định, thuyết minh cơ sở, căn cứ cho các nội dung sửa đổi, bổ sung. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương rà soát, bổ sung theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL. Đồng thời thực hiện báo cáo đánh giá nguồn tài chính đối với các chính sách tại dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.
Liên quan đến các quy định về hướng dẫn phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân, công thức xác định giá, cơ chế điều chỉnh giá, đề nghị Bộ Công Thương quy định đảm bảo theo nguyên tắc phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm.
2. Đối với các nội dung quy định về chức năng nhiệm vụ của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Giá hiện hành “3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực được pháp luật quy định"; tại Điều 65 Luật Điện lực và điểm e khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động điện lực, trong đó có giá điện.
Khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện, khung giá bán buôn điện, giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Căn cứ các quy định nêu trên, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện, trong đó có giá điện.
Mặt khác, căn cứ theo Luật Giá số 16/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023 tại kỳ họp thứ 15 và có hiệu lực từ 1/7/2024 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ, cơ quan ngang Bộ: “1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá trong lĩnh vực, phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
...c) Bộ, cơ quan ngang Bộ định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi chuyên ngành quản lý theo quy định của pháp luật; ”.
Tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15 quy định danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá; trong đó: “Điện (bán lẻ, bán buôn); các dịch vụ về điện theo quy định của Luật Điện lực bao gồm; dịch vụ phát điện, dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, dịch vụ điều độ vận hành hệ thống điện, dịch vụ điều hành giao dịch thị trường điện lực, dịch vụ phân phối điện” thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực”.
Vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương rà soát hoàn thiện lại dự thảo Quyết định để tăng cường vai trò chủ trì của Bộ Công Thương trong công tác quản lý nhà nước đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực phạm vi chuyên ngành của Bộ Công Thương. Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường, hoặc có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Cụ thể như sau:
(i) Quy định tại Điều 5, Điều 6:
- Đề nghị không quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thực hiện kiểm tra giám sát đối với báo cáo giảm giá, báo cáo tăng giá từ 3% đến dưới 5% của Tập đoàn điện lực Việt Nam tại khoản 2 Điều 5, khoản 3 Điều 5, khoản 2 Điều 6, khoản 3 Điều 6.
- Đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp rà soát của Bộ Tài chính trong trường hợp điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ 5% đến dưới 10% quy định tại khoản 4 Điều 5 và khoản 4 Điều 6. Bộ Công Thương chủ động rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình.
- Tại khoản 5 Điều 5 và khoản 5 Điều 6: Đối với trường hợp tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô: Đề nghị quy định theo hướng Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát phương án giá và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
(ii) Với các nguyên tắc như trên, đề nghị không quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc xem xét, kiểm tra các báo cáo, tính toán của Tập đoàn điện lực Việt Nam quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7.
(iii) Tại Điều 8 về tổ chức thực hiện: Đối với cơ quan phối hợp, đề nghị không quy định chi tiết các nội dung mang tính chất chuyên môn như tham gia họp, tham gia báo cáo, chủ động có ý kiến gửi cơ quan chủ trì (Bộ Công Thương) về phương án giá bán lẻ điện bình quân hàng năm. Do Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì quản lý chuyên ngành về mặt hàng điện, Bộ Tài chính chỉ có ý kiến tham gia trên cơ sở đề nghị của Bộ Công Thương về kết quả rà soát phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Vì vậy, đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp của Bộ Tài chính tại điểm a, b, c khoản 2 Điều 8 và quy định tại khoản 5 Điều 5 Dự thảo Quyết định. Đồng thời đề nghị bỏ điểm d khoản 2 Điều 8 do nội dung kiểm tra giám sát điều chỉnh giá điện thuộc trách nhiệm cơ quan quản lý chuyên ngành lĩnh vực điện lực (Bộ Công Thương). Riêng đối với nội dung phối hợp kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 dự thảo Quyết định.
3. Một số nội dung khác:
(i) Tại Điều 4 về phương pháp lập giá bán điện bình quân năm
- Tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Quyết định quy định công thức xác định giá bán lẻ điện bình quân, trong đó có Cchung là “Tổng chi phí điều hành - quản lý ngành, bao gồm cả chi phí điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí điều tiết thị trường điện lực”.
Đề nghị Bộ Công Thương thuyết minh làm rõ chi phí trên có phải là chi phí điều hành, quản lý ngành của Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam hay không? Trường hợp là chi phí điều hành, quản lý ngành của EVN thì đề nghị Bộ Công Thương rà soát, định hướng sửa đổi cho phù hợp với định hướng tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN để thành lập công ty TNHH MTV do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp/Bộ Công Thương làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; nhằm đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý cho việc thực hiện sau này.
- Tại khoản 3, khoản 4 Điều 4 Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg hiện nay đang quy định: “Chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện được thực hiện theo quy định vận hành thị trường điện theo từng cấp độ do Bộ Công Thương ban hành và theo Hợp đồng mua bán điện đã ký kết giữa đơn vị phát điện và bên mua điện. Chi phí mua dịch vụ truyền tải điện, dịch vụ phân phối - bán lẻ điện, chi phí quản lý chung, chi phí mua dịch vụ điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực được xác định trên cơ sở chi phí cộng lợi nhuận định mức của các khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định do Bộ Công Thương ban hành.”
Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Quyết định lần này lại quy định “Chi phí khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành được xác định theo quy định hiện hành”. Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương thuyết minh rõ “quy định hiện hành” là quy định nào, có phù hợp với lộ trình phát triển thị trường điện lực (trong đó có việc tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia ra khỏi EVN để thành lập công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ,...) hay không?
- Tại điểm g Khoản 2 Điều 4 về phương pháp lập giá bán điện bình quân năm dự thảo Quyết định: Bổ sung khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện được xác định căn cứ Báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất phương án phân bổ các khoản chi phí này, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên thực tế việc lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện là do doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện không đủ bù đắp cho các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh điện (chính là việc giá bán lẻ điện chưa đủ bù đắp chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện). Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương rà soát các khoản chi phí được phép tính vào giá bán lẻ điện theo quy định là những khoản chi phí nào, làm cơ sở để xác định Ckhác (là các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện) cho phù hợp. EVN có trách nhiệm tính toán và xác định các khoản chi phí được phép tính nhưng chưa tính vào giá bán lẻ điện để báo cáo Bộ Công Thương xem xét, tính bổ sung vào giá bán lẻ điện, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về điện lực và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, hàng năm, Bộ Công Thương là cơ quan có trách nhiệm thực hiện kiểm tra chi phí giá thành (chi phí sản xuất kinh doanh điện) của EVN; việc rà soát, kiểm tra, phê duyệt các chi phí này do Bộ Công Thương thực hiện.
Mặt khác, qua rà soát Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn không có quy định nội dung về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với nội dung này. Do đó, đề nghị đề nghị bổ nội dung “báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định" tại điểm g Khoản 2 Điều 4.
(ii) Tại Điều 6 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm
- Tại khoản 2 Điều 6 quy định trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn từ 1% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Giá bán lẻ điện bình quân tính toán giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành, EVN có trách nhiệm giảm giá ở mức tương ứng; không nên khống chế mức giảm giá bán lẻ. Đối với trường hợp kết quả tính toán giảm thấp hơn mức tối thiểu của khung giá, đề nghị cân nhắc quy định theo hướng xem xét điều chỉnh khung giá cho phù hợp với thực tế.
- Tại khoản 5 Điều 6 đối với trường hợp tăng từ 10% trở lên:
Đối với trường hợp ngoài khung giá: Đề nghị quy định rõ trường hợp ngoài khung thì cần rà soát, xem xét điều chỉnh khung giá.
Đối với trường hợp ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô: điện là mặt hàng thiết yếu, các đợt điều chỉnh đều tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Do đó, đề nghị cân nhắc, đánh giá thêm đối với quy định này; trường hợp nếu để quy định này, cần quy định tiêu chí cụ thể để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo. Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |