Open navigation

Công văn 28/TCHQ-GSQL ngày 03/01/2025 Xuất khẩu linh kiện lỗi

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________________

Số: 28/TCHQ-GSQL

V/v xuất khẩu linh kiện lỗi

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2025

Kính gửi: Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN.
(Địa chỉ: Phòng 1031-1033, Toà nhà Pacific Place, 83B Lý Thường Kiệt, Hà Nội)

Trả lời công văn số USABC-HN-20241025-01 ngày 25/10/2024 của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN về việc xuất khẩu linh kiện lỗi của công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về quyền xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ thì “...2. Quyền xuất khẩu là quyền mua hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm quyền đứng tên trên tờ khai hàng hóa xuất khẩu để thực hiện và chịu trách nhiệm về các thủ tục liên quan đến xuất khẩu. Quyền xuất khẩu không bao gồm quyền mua hàng hóa từ các đối tượng không phải là thương nhân để xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”.

Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ thì “1. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có quyền xuất khẩu, được xuất khẩu: Hàng hóa mua tại Việt Nam; hàng hóa do tổ chức kinh tế đó đặt gia công tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam ra nước ngoài và khu vực hải quan riêng, theo các điều kiện…”.

Đối với trường hợp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN nêu tại công văn số USABC-HN-20241025-01 ngày 25/10/2024: trường hợp công ty thành viên không có hoạt động mua bán linh kiện công nghệ thông tin lỗi tại Việt Nam để xuất khẩu thì hoạt động xuất khẩu của công ty thành viên không thuộc phạm vi điều chỉnh về quyền xuất khẩu của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 3 và khoản 1 Điều 7 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ nêu trên. Vì vậy, đề nghị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hướng dẫn công ty thành viên nghiên cứu các quy định nêu trên để thực hiện; trường hợp phát sinh vướng mắc liên quan đến quyền xuất khẩu và hoạt động thanh lý hàng hoá của doanh nghiệp FDI thì liên hệ Bộ Công Thương để được hướng dẫn thực hiện.

2. Về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu

Về chính sách quản lý, mặt hàng linh kiện điện tử đã qua sử dụng tùy theo mô tả, tính chất, đặc tính nguy hại có thể sẽ phải áp dụng các quy định về chất thải nguy hại, chất thải, hàng hóa là thiết bị gia dụng đã qua sử dụng, sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng…theo pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật quản lý ngoại thương. Chính sách cụ thể theo các trường hợp như sau:

a. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu là chất thải nguy hại:

- Theo quy định tại khoản 20 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường thì: “Chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây nhiễm độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.”

- Theo khoản 1 Điều 68 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP thì: “Việc phân định chất thải nguy hại được thực hiện theo mã, danh mục và ngưỡng chất thải nguy hại.”

- Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 24 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc phân loại chất thải thực thiện theo Danh mục chất thải (bao gồm CTNH, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải rắn công nghiệp thông thường và mã chất thải được quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này) và việc phân định chất thải công nghiệp phải kiểm soát là chất thải nguy hại hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về ngưỡng chất thải nguy hại (QCVN 07:2009/BTNMT theo quy định hiện hành).

- Theo Danh mục chất thải tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT nêu trên thì các thiết bị, linh kiện điện tử thải hoặc các thiết bị điện (khác với các loại nêu tại mã 16 01 06, 16 01 07, 16 01 12) có các linh kiện điện tử (trừ bản mạch điện tử không chứa các chi tiết có các thành phần nguy hại vượt ngưỡng NH) được định danh mã 16 01 13 mã quản lý chất thải của lĩnh vực môi trường.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp xác định hàng hóa xuất khẩu là chất thải nguy hại thì khi xuất khẩu doanh nghiệp phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp văn bản chấp thuận xuất khẩu chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b. Trường hợp không xác định hàng hóa xuất khẩu là chất thải nguy hại (có thể rơi vào trường hợp hàng hóa xuất khẩu là chất thải hay hàng hóa đã qua sử dụng)

Trường hợp không xác định là chất thải nguy hại (ví dụ: hàng hóa được xác định là chất thải, hoặc hàng hóa đã qua sử dụng, sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng...không thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Quản lý ngoại thương) thì thủ tục xuất khẩu thực hiện theo quy định về pháp luật hải quan, pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật quản lý ngoại thương các các văn bản hướng dẫn của Bộ quản lý chuyên ngành liên quan.

Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hướng dẫn công ty thành viên nghiên cứu các quy định dẫn trên, đối chiếu với thực tế hàng hóa dự kiến xuất khẩu để thực hiện theo quy định.

3. Về mã loại hình

Căn cứ bản chất giao dịch hàng hoá, đề nghị Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hướng dẫn công ty thành viên nghiên cứu bảng mã loại hình ban hành kèm theo Quyết định số 1357/QĐ-TCHQ ngày 18/5/2021 và công văn số 4032/TCHQ-GSQL ngày 16/8/2021 của Tổng cục Hải quan để sử dụng mã loại hình phù hợp.

Tổng cục Hải quan trả lời để Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN biết./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
 - Lưu: VT, GSQL(3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




 Âu Anh Tuấn

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.