VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ ------- |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------------- |
Số: 29/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2017 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ THU HÚT ĐẦU TƯ, KINH DOANH LOGISTICS VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
Ngày 09 tháng 01 năm 2017, tại thành phố Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự và chủ trì Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics Vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, các đồng chí Lãnh đạo, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; các đồng chí Bí thư, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác; Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh logistics và đông đảo doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh dịch vụ logistics, vận tải trong nước và quốc tế.
Sau khi nghe các Bộ, cơ quan báo cáo, tham luận, ý kiến của các đại biểu dự họp; Phó Thủ tướng có ý kiến kết luận như sau:
-
Chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ đã xác định logistics là ngành dịch vụ có tiềm năng và lợi thế ở nước ta; có vai trò then chốt trong thúc đẩy phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp phù hợp, mạnh mẽ để phát triển ngành dịch vụ logistics, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế đất nước và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020.
-
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa nhất là để phục vụ xuất khẩu. Trong đó, điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi cho phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp với 3 nhóm sản phẩm chủ lực lúa gạo, thủy sản và trái cây có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Vị trí địa lý của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3 mặt giáp biển (bờ biển dài trên 740 km), có đường biên giới đất liền giáp với Campuchia (khoảng 340 km), hệ thống giao thông tương đối phát triển kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó trọng điểm là thành phố Hồ Chí Minh; có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia tạo thuận lợi cho phát triển giao thương hàng hóa, là cửa ngõ tiếp cận với thị trường các nước ASEAN thông qua tuyến đường Xuyên Á.
Tăng trưởng kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long khá cao, luôn cao hơn mức bình quân cả nước trong vòng 10 năm qua (kể cả năm 2016 mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn nhưng ước tăng trưởng kinh tế toàn vùng đạt khoảng 6,9%, cao hơn mức tăng của cả nước 6,21%). Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được quan tâm đầu tư với 4 phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không, đường biển; có nhiều cửa khẩu, hệ thống kho bãi, cảng… là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, lưu thông hàng hóa nội vùng, liên vùng, với nước bạn Campuchia, các nước trong khu vực và trên thế giới.
-
Dự báo lượng hàng qua cảng Đồng bằng sông Cửu Long từ nay đến năm 2030 là rất lớn, đến năm 2020 khoảng 25-28 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 11,5 triệu đến 14,0 triệu tấn/năm), đến năm 2030 là từ 66,5 triệu đến 71,5 triệu tấn/năm (trong đó hàng tổng hợp, container từ 21,7 triệu đến 26,2 triệu tấn/năm) cho thấy Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu rất cao trong đầu tư phát triển hoạt động logistics, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng logistics cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng và liên vùng, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng nông sản, thủy sản.
-
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tiềm năng, lợi thế, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng còn những khó khăn, thách thức, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển như: hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kém chất lượng, chưa đồng bộ; chưa kết nối được cảng hàng không; hệ thống cảng biển, cảng sông còn phân tán, quy mô nhỏ, năng lực thấp, ít cảng container chuyên dùng, chưa phát huy được lợi thế về giao thông đường thủy nội địa với mạng lưới dày đặc, mật độ cao; vận hành và kết nối thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các phương thức vận tải, trong nội Vùng và giữa Vùng với thị trường xuất khẩu; chưa có trung tâm logistics tập trung quy mô lớn và hệ thống cơ sở, trung tâm logistics vệ tinh; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics trên địa bàn; khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ logistics còn yếu; chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa...
-
Để thúc đẩy phát triển logistics cần có tầm nhìn như đối với một ngành dịch vụ kinh tế, có tính hệ thống, liên kết vùng, đa ngành, đa lĩnh vực. Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics, các doanh nghiệp và cả các cơ quan truyền thông phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, gắn kết với cơ chế kết nối một cửa ASEAN để tăng cường tạo thuận lợi thương mại và trên nền tảng thương mại điện tử.
-
Các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Phải xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại và kết nối với nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
-
Bộ Công Thương:
-
Khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan hiện hành để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những chồng chéo, chưa thống nhất; tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển dịch vụ này; khuyến khích và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh logistics. Sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.
Phối hợp chặt chẽ với các địa phương Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy nhanh triển khai đầu tư trung tâm logistics tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
-
-
Các tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long rà soát lại các quy hoạch liên quan phục vụ hoạt động logistics, kịp thời bổ sung, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển logistics trên địa bàn; lựa chọn, công bố những dự án cơ sở hạ tầng logistics trọng điểm cần kêu gọi đầu tư; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan liên quan, tổ chức quốc tế (như WB...) tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư.
-
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về phát triển cơ sở hạ tầng Iogistics và dịch vụ logistics; trong đó nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Quy hoạch phát triển logistics chung của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở liên kết hài hòa với các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch; lập hồ sơ thông tin về các địa điểm, danh mục dự án, lĩnh vực logistics cần thu hút đầu tư để sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư.
-
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương liên quan rà soát, tập trung hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trong khu vực và kết nối với Campuchia; nghiên cứu, hoàn thiện quy chế về vận tải xuyên biên giới và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện hình thức này; sớm chính thức công bố trong tháng 01 năm 2017 lưu thông kênh Quan Chánh Bố để có cơ sở pháp lý cho các hãng tàu nước ngoài hoạt động.
-
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa lĩnh vực logistics vào danh mục ưu tiên kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và nước ngoài; phối hợp, hỗ trợ các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực logistics trong khu vực.
-
Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế kết nối một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua đó tạo thuận lợi cho hoạt động logistics phát triển.
-
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics tăng cường phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch về logistics, kêu gọi đầu tư trong Vùng, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư; phối hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động logistics. Các hiệp hội ngành hàng động viên, hướng dẫn doanh nghiệp hội viên quan tâm đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như vào đầu tư vào lĩnh vực logistics tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long; các doanh nghiệp dịch vụ logistics đẩy mạnh nghiên cứu các cơ hội, tiềm năng để mở rộng khai thác dịch vụ tại Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa tăng cường tạo mối liên kết chặt chẽ với các nhà đầu tư và doanh nghiệp dịch vụ logistics để hợp lý hóa quy trình, cắt giảm chi phí và thời gian, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
-
Đối với các kiến nghị cụ thể của các hiệp hội, doanh nghiệp và diễn giả, đại biểu trong nước, quốc tế trong Hội nghị, Bộ Công Thương tổng hợp, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chủ động giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với hoạt động của các đơn vị Vinalines Cái Cui, Tân Cảng Cái Cui và kiến nghị việc thành lập một công ty cổ phần để tăng cường liên kết, hợp tác về dịch vụ logistics trong khu vực cảng Cái Cui: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ sớm xử lý dứt điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
Các Bộ: CT, GTVT, TC, KHĐT, NG, QP, KHCN, NNPTNT;
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN;
VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: NC, TKBT, TH; TGĐ Cổng TTĐT;
Lưu: VT, KTTH (3). LT