Open navigation

Nghị định 23/2018/NĐ-CP Quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc


CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------

Số: 23/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2018


NGHỊ ĐỊNH


QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC


Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;


Căn cứ Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 09 tháng 12 năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm ngày 24 tháng 11 năm 2010;


Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;


Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;


Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


Chương I


QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Phạm vi điều chỉnh


Nghị định này quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc:


  1. Điều kiện, mức phí bảo hiểm; số tiền bảo hiểm tối thiểu.


  2. Mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy.


  3. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


Điều 2. Đối tượng áp dụng


Nghị định này áp dụng đối với:


  1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).


  2. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ; chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là “doanh nghiệp bảo hiểm”).


  3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


Điều 3. Nguyên tắc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc


  1. Cơ quan, tổ chức và cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này (sau đây gọi là “bên mua bảo hiểm”) phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ theo quy định pháp luật.


  2. Bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này.


    Ngoài việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu quy định tại Nghị định này, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm về mở rộng điều kiện bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tăng thêm và mức phí bảo hiểm bổ sung tương ứng. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tách riêng phần bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong hợp đồng bảo hiểm.


  3. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bán bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong các trường hợp sau:


    1. Cơ sở chưa được nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy theo quy định pháp luật.


    2. Cơ sở không có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra đã quá 01 năm tính từ thời điểm lập đến thời điểm mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


    3. Cơ sở đang bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy.


  4. Bên mua bảo hiểm được tính chi phí mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc vào giá thành sản phẩm, dịch vụ (đối với cơ sở sản xuất kinh doanh) hoặc vào chi thường xuyên (đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác).


  5. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân không thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này mua bảo hiểm cháy, nổ trên cơ sở thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm và phù hợp với quy định pháp luật.

Chương II


QUY ĐỊNH CỤ THỂ


Mục 1: ĐIỀU KIỆN, MỨC PHÍ BẢO HIỂM; SỐ TIỀN BẢO HIỂM TỐI THIỂU


Điều 4. Đối tượng bảo hiểm


  1. Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, bao gồm:


    1. Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị.


    2. Các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).


  2. Đối tượng bảo hiểm và địa điểm của đối tượng bảo hiểm phải được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.


Điều 5. Số tiền bảo hiểm tối thiểu


  1. Số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị tính thành tiền theo giá thị trường của các tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.


  2. Trường hợp không xác định được giá thị trường của tài sản thì số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do các bên thỏa thuận như sau:


  1. Đối với các tài sản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản theo giá trị còn lại hoặc giá trị thay thế của tài sản tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.


  2. Đối với các tài sản quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Nghị định này: Số tiền bảo hiểm là giá trị tính thành tiền của tài sản căn cứ theo hóa đơn, chứng từ hợp lệ hoặc các tài liệu có liên quan.


Điều 6. Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm


  1. Phạm vi bảo hiểm


    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này phát sinh từ rủi ro cháy, nổ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.


  2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

  1. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này (trừ cơ sở hạt nhân), doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong các trường hợp sau:


    • Động đất, núi lửa phun hoặc những biến động khác của thiên nhiên.


    • Thiệt hại do những biến cố về chính trị, an ninh và trật tự an toàn xã hội gây ra.


    • Tài sản bị đốt cháy, làm nổ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.


    • Tài sản tự lên men hoặc tự tỏa nhiệt; tài sản chịu tác động của một quá trình xử lý có dùng nhiệt.

    • Sét đánh trực tiếp vào tài sản được bảo hiểm nhưng không gây cháy, nổ.

    • Nguyên liệu vũ khí hạt nhân gây cháy, nổ.


    • Máy móc, thiết bị điện hay các bộ phận của thiết bị điện bị thiệt hại do chịu tác động trực tiếp của việc chạy quá tải, quá áp lực, đoản mạch, tự đốt nóng, hồ quang điện, rò điện do bất kỳ nguyên nhân nào, kể cả do sét đánh.


    • Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; do cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy và là nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy, nổ.


    • Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính.


    • Thiệt hại do đốt rừng, bụi cây, đồng cỏ, hoặc đốt cháy với mục đích làm sạch đồng ruộng, đất đai.


  2. Đối với cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.


Điều 7. Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm


  1. Mức phí bảo hiểm


    Mức phí bảo hiểm quy định tại Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này được áp dụng đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này, cụ thể như sau:

    1. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức phí bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục I Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

      Trên cơ sở mức phí bảo hiểm quy định tại điểm này, doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro của từng cơ sở và theo quy định pháp luật.

    2. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức phí bảo hiểm theo quy định pháp luật và trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.


  2. Mức khấu trừ bảo hiểm


Mức khấu trừ bảo hiểm là số tiền mà bên mua bảo hiểm phải tự chịu trong mỗi sự kiện bảo hiểm, được quy định tại Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:


  1. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ cơ sở hạt nhân) có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm dưới 1.000 tỷ đồng: Mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 1 Mục II Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.


    Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm mức khấu trừ bảo hiểm áp dụng đối với từng cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ căn cứ vào mức độ rủi ro và lịch sử xảy ra tổn thất của từng cơ sở.


  2. Đối với cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ có tổng số tiền bảo hiểm của các tài sản tại một địa điểm từ 1.000 tỷ đồng trở lên và cơ sở hạt nhân: Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận mức khấu trừ bảo hiểm trên cơ sở được doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chấp thuận.

Điều 8. Bồi thường bảo hiểm

  1. Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm


    Doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:


    1. Số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tài sản bị thiệt hại không vượt quá số tiền bảo hiểm của tài sản đó (đã được thỏa thuận và ghi trong hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm), trừ đi mức khấu trừ bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.


    2. Giảm trừ tối đa 10% số tiền bồi thường bảo hiểm trong trường hợp cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ không thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các kiến nghị tại Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, dẫn đến tăng thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ.


    3. Không có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm đối với những khoản tiền phát sinh, tăng thêm do hành vi gian lận bảo hiểm theo quy định tại Bộ luật hình sự.


  2. Hồ sơ bồi thường bảo hiểm


Hồ sơ bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc bao gồm các tài liệu sau:


  1. Văn bản yêu cầu bồi thường của bên mua bảo hiểm.

  2. Tài liệu liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bao gồm: Hợp đồng bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm.


  3. Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tại thời điểm gần nhất thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm (bản sao).


  4. Biên bản giám định của doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền.


    đ) Văn bản kết luận hoặc thông báo về nguyên nhân vụ cháy, nổ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao) hoặc các bằng chứng chứng minh nguyên nhân vụ cháy, nổ.


  5. Bản kê khai thiệt hại và các giấy tờ chứng minh thiệt hại.


Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm thu thập và gửi doanh nghiệp bảo hiểm các tài liệu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 2 Điều này. Doanh nghiệp bảo hiểm thu thập tài liệu quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.


Mục 2: MỨC THU, CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY


Điều 9. Mức thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy


  1. Mức thu từ doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc trong năm tài chính là 1% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề.


  2. Doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực hiện nộp số tiền quy định tại khoản 1 Điều này vào Tài khoản của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương theo thời hạn sau:

  1. Trước ngày 30 tháng 6 hàng năm: Nộp 50% tổng số tiền quy định tại khoản 1 Điều này.


  2. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm: Nộp số tiền còn lại quy định tại khoản 1 Điều này.

    Điều 10. Chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc


    1. Việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc phải đảm bảo minh bạch, đúng mục đích theo quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.


    2. Hàng năm, Bộ Công an lập dự toán thu, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy gửi Bộ Tài chính theo quy định pháp luật.


    3. Nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy được sử dụng như sau:

      1. Hỗ trợ trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Chi cho nội dung này không vượt quá 40% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.


      2. Hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy; chữa cháy và bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chi cho nội dung này không vượt quá 30% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.


      3. Hỗ trợ lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong các hoạt động sau: Điều tra nguyên nhân vụ cháy; bồi dưỡng nghiệp vụ, kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy; giám sát việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Chi cho nội dung này không vượt quá 20% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.


      4. Hỗ trợ khen thưởng thành tích của tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chi cho nội dung này không vượt quá 10% số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm tài chính.


    4. Số tiền thực tế thu được từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy cuối năm chưa sử dụng hết cho từng nội dung quy định tại khoản 3 Điều này được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.


Mục 3: TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC BỘ, CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN VÀ DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM TRONG VIỆC THỰC HIỆN BẢO HIỂM CHÁY, NỔ BẮT BUỘC


Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tài chính


  1. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


  2. Kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định tại Nghị định này.


3 Xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của doanh nghiệp bảo hiểm.


Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Công an

  1. Phối hợp với Bộ Tài chính tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


  2. Kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

    của các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ.

  3. Công bố danh sách các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (trừ các cơ sở liên quan đến quốc phòng, an ninh và bí mật nhà nước) chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an.


Điều 13. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ


Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn và thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định của Nghị định này.


Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương


Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an tổ chức thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và áp dụng các biện pháp đề phòng và hạn chế tổn thất do cháy, nổ gây ra.


Điều 15. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm

  1. Lập và gửi Bộ Tài chính các báo cáo đối với bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định sau:


    1. Báo cáo nghiệp vụ:

      Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Tài chính các báo cáo nghiệp vụ quý, năm (bao gồm cả bản cứng và bản mềm) theo mẫu quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:


      • Báo cáo quý: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc quý.


      • Báo cáo năm: Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm.


    2. Báo cáo tình hình thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy:


      Doanh nghiệp bảo hiểm phải lập và gửi Bộ Tài chính báo cáo (bao gồm cả bản cứng và bản mềm) theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, cụ thể như sau:


      • Báo cáo 6 tháng: Chậm nhất là ngày 31 tháng 7 hàng năm.


      • Báo cáo năm: Chậm nhất là ngày 31 tháng 01 của năm tài chính kế tiếp.


    3. Ngoài các báo cáo theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm lập và gửi báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tài chính.


  2. Hàng năm, nộp 1% tổng số phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc thực tế thu được của các hợp đồng bảo hiểm gốc trong năm tài chính trước liền kề cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

Chương III


ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp


Các hợp đồng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã giao kết trước ngày Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.


Điều 17. Hiệu lực thi hành


  1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018.


  2. Nghị định này thay thế Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc và Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


  3. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính, Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 và Nghị định số 46/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2012 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


  4. Bãi bỏ Thông tư số 220/2010/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.


Điều 18. Trách nhiệm thi hành


Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.



Nơi nhận:

  • Ban Bí thư Trung ương Đảng;

  • Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

  • Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

  • HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

  • Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

  • Văn phòng Tổng Bí thư;

  • Văn phòng Chủ tịch nước;

  • Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

  • Văn phòng Quốc hội;

  • Tòa án nhân dân tối cao;

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

  • Kiểm toán nhà nước;

  • Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

  • Ngân hàng Chính sách xã hội;

  • Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

  • Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

  • Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

  • VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,

    các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

  • Lưu: VT, KTTH (2). KN



TM. CHÍNH PHỦ

 THỦ TƯỚNG



Nguyễn Xuân Phúc

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.