BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1283/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2019 |
Kính gửi: Văn phòng Luật sư Phúc Long.
Trả lời công văn số 01/2019/CV-LS ngày 15/02/2019 và công văn số 02/2019/CV-LS ngày 22/02/2019 của Văn phòng Luật sư Phúc Long về việc giải đáp các vấn đề về nghiệp vụ hải quan, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:
1. Phê duyệt trên Lệnh hình thức
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 thì người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình, về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ giấy lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ điện tử.
Theo quy định tại Điều 15 Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 8 Điều 1 Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005 quy định về nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì kiểm tra hải quan được thực hiện trên cơ sở phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định:
“2. Nguyên tắc kiểm tra hải quan:
a) Kiểm tra hải quan được thực hiện trong quá trình làm thủ tục hải quan và sau thông quan;
b) Kiểm tra hải quan được giới hạn ở mức độ phù hợp kết quả phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan;
c) Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận hồ sơ hải quan quyết định hình thức, mức độ kiểm tra hải quan”.
Tại Điều 3 Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính quy định về Nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, quản lý thuế quy định:
“... 2. Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trên cơ sở kết quả phân tích thông tin, đánh giá quá trình chấp hành pháp luật của người khai hải quan, người nộp thuế; có ưu tiên và tạo thuận lợi đối với chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP .
3. Hình thức và mức độ kiểm tra được xác định cụ thể trên cơ sở:
a) Kết quả phân tích thông tin, đánh giá mức độ rủi ro trong quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu;
b) Thông tin về dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan;
c) Lựa chọn ngẫu nhiên để đánh giá mức độ tuân thủ của đối tượng quản lý hải quan.
Việc áp dụng quản lý rủi ro thực hiện theo quy định tại Quyết định số 48/2008/QĐ-BTC ngày 4 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
4. Chủ hàng chấp hành tốt pháp luật về hải quan là người đáp ứng các điều kiện:
a) Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ba trăm sáu mươi lăm ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được cơ quan hải quan xác định là:
a.1) Không bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
a.2) Không bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế;
a.3) Không quá hai lần bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;
b) Không còn nợ thuế quá hạn quá chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;
c) Thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ.
5. Người nộp thuế đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 4 điều 42 Luật Quản lý thuế là người:
a) Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian ít nhất là ba trăm sáu lăm ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan;
b) Chấp hành tốt pháp luật về hải quan nêu tại khoản 4 Điều này;
c) Không còn nợ tiền thuế quá hạn, không còn nợ tiền phạt tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan...”.
Tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính thì kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan bao gồm: kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thuế và kiểm tra thực tế hàng hóa.
Tại Điều 3 Quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính quy định về nguyên tắc áp dụng quản lý rủi ro quy định:
“...2. Cơ quan hải quan thực hiện thu thập, phân tích thông tin, đánh giá rủi ro ở các giai đoạn trước, trong và sau thông quan theo các tiêu chí được xác định trong từng thời điểm, phù hợp với quy định của pháp luật về hải quan, điều kiện và khả năng thực tế để ra quyết định việc kiểm tra, giám sát, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo các trường hợp dưới đây:
a) Không tuân thủ pháp luật hải quan;
b) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan;
c) Kết quả phân tích, đánh giá xác định mức độ rủi ro cao;
d) Lựa chọn ngẫu nhiên.
3. Cơ quan hải quan áp dụng miễn kiểm tra đối với các đối tượng không thuộc các trường hợp quy định tại điểm 2 nêu trên...”.
Căn cứ các quy định nêu trên thì trong quá trình làm thủ tục hải quan cơ quan hải quan tiến hành thu thập, phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, đánh giá rủi ro ở các giai đoạn trước, trong và sau thông quan, xác định mức độ rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan để quyết định việc kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan và không gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.
Như vậy, trường hợp thu thập, phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, đánh giá rủi ro của cơ quan hải quan xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu, Chi cục trưởng Hải quan địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu quyết định chấp nhận nội dung khai báo của người khai hải quan và quyết định miễn kiểm tra thực tế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của người khai hải quan. Kết quả của việc quyết định được thể hiện trên lệnh hình thức, mức độ kiểm tra như hướng dẫn tại điểm 7 bước 1 phần 1 và điểm 2.1 mục I phần 2 Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục Hải quan.
Cũng theo các quy định nêu trên, trường hợp thu thập, phân tích thông tin, đánh giá việc chấp hành pháp luật của chủ hàng, đánh giá rủi ro của cơ quan hải quan xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 48/2008/QĐ-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính, cơ quan hải quan áp dụng miễn kiểm tra hải quan, người khai hải quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình, về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ giấy lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ điện tử.
Theo đó, để thực hiện quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các công chức hải quan trong dây chuyền nghiệp vụ (bao gồm Lãnh đạo Chi cục và công chức thừa hành) phải thực hiện tuần tự các bước theo hướng dẫn tại Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại ban hành kèm Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15/6/2009 của Tổng cục Hải quan. Theo đó, Lãnh đạo Chi cục có trách nhiệm duyệt trên lệnh hình thức, mức độ kiểm tra theo đúng hướng dẫn tại Quyết định nêu trên.
Do đó, việc duyệt trên lệnh hình thức, mức độ kiểm tra của Lãnh đạo Chi cục là việc phải làm theo quy trình thủ tục hải quan nên không phải là cơ sở để xem xét là thiếu trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
2. Sử dụng tờ khai PMD làm thủ tục nhập khẩu tiền để thanh toán trong mua bán hàng hóa và dịch vụ thương mại khu vực biên giới
Căn cứ theo quy định tại Luật Hải quan năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2005 thì ngoại hối, tiền Việt Nam của người xuất cảnh, nhập cảnh thuộc đối tượng phải làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Theo đó, trường hợp người nhập cảnh mang tiền vượt định mức quy định của Ngân hàng Nhà nước thì phải khai hải quan tại cửa khẩu. Tùy vào từng thời điểm việc hướng dẫn tờ khai hải quan xuất nhập cảnh có quy định khác nhau.
Tại thời điểm từ tháng 6/2006 đến ngày 15/9/2010 mẫu tờ khai xuất nhập cảnh và hướng dẫn sử dụng tờ khai được thực hiện theo Thông tư số 29/2006/QĐ-BTC ngày 08/5/2006 và Thông tư số 42/2006/QĐ-BTC ngày 18/8/2006 của Bộ Tài chính.
Từ ngày 15/9/2010 có hiệu lực thi hành của Quyết định số 3195/QĐ-BCA/A61 ngày 10/8/2010 của Bộ Công an thực hiện theo mẫu tờ khai đối với hành khách nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam qua các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý chưa được trang bị máy đọc hộ chiếu. Căn cứ vào Quyết định số 3195/QĐ-BCA/A61, Tổng cục Hải quan ban hành công văn số 1333/TCHQ-GSQL ngày 30/3/2011.
Nội dung văn bản hướng dẫn số 6817/TCHQ-GSQL ngày 26/12/2008 của Tổng cục Hải quan và công văn số 372/HQKG-NV ngày 16/4/2009 của Cục Hải quan tỉnh Kiên Giang là thời điểm có hiệu lực của Quyết định số 29/2006/QĐ-BTC ngày 08/5/2006 và Quyết định số 42/2006/QĐ-BTC ngày 18/8/2006 của Bộ Tài chính không phải thời điểm có hiệu lực của Quyết định số 3195/QĐ-BCA/A61 của Bộ Công an.
3. Nội dung liên quan đến lệnh hình thức có liên quan đến thủ tục hoàn thuế GTGT tại cơ quan thuế hay không và việc sử dụng tờ khai PMD làm thủ tục nhập khẩu để thanh toán trong mua bán hàng hóa và dịch vụ thương mại khu vực biên giới có thuộc bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT
Thủ tục hoàn thuế GTGT thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan Thuế, do đó đề nghị Văn phòng Luật sư Phúc Long lấy ý kiến của Tổng cục Thuế để được hướng dẫn.
Tổng cục Hải quan trả lời để Văn phòng Luật sư Phúc Long biết./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |