BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2944/BNN-TCTS | Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 2019 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
Năm 2019, ngành thủy sản được giao chỉ tiêu tăng trưởng khá cao với mục tiêu tổng sản lượng thủy sản cần đạt 8,8 triệu tấn (tăng 4,2%) trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản cần đạt 4,38 triệu tấn (tăng 5,6%), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD (tăng 19,4%). Bên cạnh những thuận lợi, được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp; ngành nuôi trồng thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức như: dự báo nhiệt độ trung bình từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2019 có thể cao hơn mức trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng từ 0,5 đến 1,0°C, có thể xuất hiện hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường gây khó khăn cho sản xuất; cạnh tranh thương mại và rào cản từ các thị thường nhập khẩu sản phẩm thủy sản ngày càng nhiều; công tác tổ chức sản xuất nuôi trồng thủy sản nước ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tái cơ cấu ngành; công tác quản lý giống thủy sản còn một số bất cập, vẫn còn số lượng lớn giống thủy sản, đặc biệt là giống tôm nước lợ vận chuyển chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản có chất lượng không phù hợp với công bố; kim ngạch xuất khẩu tôm có dấu hiệu sụt giảm; giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong sản xuất nuôi trồng thủy sản.
Nhằm chủ động ứng phó với những khó khăn, thách thức, ngay từ những tháng đầu năm; Bộ đã tổ chức Hội nghị quản lý chất lượng giống tôm nước lợ; Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành hàng cá tra và ngành hàng tôm; ban hành văn bản chỉ đạo khung lịch mùa vụ và các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản 2017. Để tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:
- Thực hiện nghiêm các nội dung tại văn bản số 706/TB-BNN-VP ngày 31 tháng 01 năm 2019 về việc thông báo kết luận của Lãnh đạo Bộ tại Hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký quy chế phối hợp”;
- Tổ chức quản lý, giám sát chặt điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Kiểm soát tốt giống thủy sản bố mẹ, xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng thủy sản bố mẹ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ thời hạn cho sinh sản theo quy định;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất việc tuân thủ các quy định về điều kiện sản xuất và chất lượng đối với thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan để truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
2. Về quản lý các đối tượng nuôi chủ lực:
a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025;
b) Tuân thủ khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ theo hướng dẫn tại Công văn số 4717/TCTS-NTTS ngày 20 tháng 12 năm 2018;
c) Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ tại văn bản số 1620/TB- BNN-VP ngày 06 tháng 3 năm 2019 và văn bản số 2118/TB-BNN-VP ngày 27 tháng 3 năm 2019 thông báo ý kiến kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại các Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra và tôm năm 2019;
d) Tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
- Khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến hoạt động sản xuất như: tích trữ nước ngọt để điều tiết độ mặn trong điều kiện nắng nóng kéo dài hoặc xâm nhập mặn; kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ao nuôi; duy trì mực nước ao nuôi thích hợp, sử dụng quạt nước để hạn chế chênh lệch nhiệt độ nước giữa ngày và đêm;
- Thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi, khuyến cáo kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, ứng phó khi môi trường có diễn biến bất lợi; kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh;
- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua, vận chuyển, sơ chế, chế biến tôm, cá tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm;
- Tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi để hạ giá thành, nâng cao chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm;
- Tổ chức lại khâu chế biến sản phẩm để tận dụng tối đa công suất của các cơ sở chế biến, đa dạng các mặt hàng, phát triển các sản phẩm chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm;
- Chủ động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
3. Khuyến khích phát triển nuôi, tiêu thụ các loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế để phát huy tiềm năng lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực để thực hiện. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc, phản ánh kịp thời về Bộ (qua Tổng cục Thủy sản, địa chỉ: số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 0243 724 5370; Email: [email protected]) để phối hợp tháo gỡ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |