BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3231/BTC-TCDN V/v Dự thảo Nghị quyết của CP hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 | Hà Nội, ngày 08 tháng 4 năm 2022 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1976/BKHĐT-PTDN ngày 28/03/2022 về việc phối hợp giải trình ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về Dự thảo Nghị quyết về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 (Dự thảo Nghị quyết), sau khi nghiên cứu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về việc làm rõ nội hàm “thông qua chỉ số chứng khoán” đối với nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại gạch đầu dòng thứ 2 điểm a khoản 4 mục III Dự thảo Nghị quyết
- Chỉ số chứng khoán là thông số phản ánh diễn biến của thị trường chứng khoán. Các bộ chỉ số chứng khoán được thiết kế với mục đích tham chiếu cho thị trường và làm cơ sở xây dựng các sản phẩm dựa trên chỉ số như: quỹ đầu tư chỉ số, sản phẩm phái sinh (hợp đồng tương lai), sản phẩm chứng quyền có bảo đảm. Theo đó, việc nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thông qua chỉ số chứng khoán dành cho các doanh nghiệp nhóm này sẽ không đạt được mục tiêu của khoản 4 Mục III Dự thảo Nghị Quyết là “Khơi thông và tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực tài chính”.
- Trong trường hợp chuyển thành nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển thị trường vốn cho DNNVV” cũng không khả thi với các lý do sau:
(i) Thứ nhất, có khả năng sẽ bị trùng lắp với nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại điểm c khoản 2 Mục III Dự thảo Nghị quyết “Nghiên cứu xây dựng đề án thành lập sàn giao dịch, chuyển nhượng chứng khoán cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...” do DNNVV khởi nghiệp sáng tạo là một bộ phận của DNNVV theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật hỗ trợ DNNVV “Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh”.
(ii) Thứ hai, hiện nay DNNVV có nhiều lựa chọn để huy động vốn qua thị trường chứng khoán như: chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (áp dụng cho công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn...), chào bán trái phiếu riêng lẻ tại thị trường trong và ngoài nước (có thể áp dụng cho các công ty cổ phần chưa đại chúng, công ty trách nhiệm hữu hạn...). Đối với các DNNVV là công ty đại chúng còn có thể huy động vốn thông qua kênh chào bán thêm cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phần ra công chúng và các hình thức khác.
- Ngoài ra, liên quan đến nội dung “phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp” (gạch đầu dòng thứ 2 điểm a khoản 4 mục III dự thảo Nghị quyết), Bộ Tài chính đã tổng hợp, cập nhật tình hình thị trường và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiệu chỉnh lại nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại gạch đầu dòng thứ 2 điểm a khoản 4 mục III Dự thảo Nghị quyết (trang 8) như sau: “Triển khai các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đúng định hướng tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
2. Về cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ đổi mới nội dung về cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước
- Tại Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ1 (Quyết định số 360/QĐ-TTg), Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ “Nghiên cứu, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp” và “Nghiên cứu đổi mới nội dung về cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN.”.
Tại công văn số 5651/VPCP-ĐMDN ngày 17/8/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính nghiên cứu, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 của Chính phủ2; dự thảo Nghị định sẽ được trình Chính phủ sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
Do đó, việc nghiên cứu đổi mới nội dung về cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước tại Dự thảo Nghị quyết phù hợp với quy định tại Quyết định số 360/QĐ-TTg, thuộc nhiệm vụ của Bộ Tài chính gắn với việc sửa đổi, bổ sung Luật số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội.
- Theo quy định tại Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội3 (Nghị quyết số 60/2018/QH14), Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ4 (Nghị quyết số 73/NQ-CP), công văn số 1354/VPCP-ĐMDN ngày 03/3/2022 của Văn phòng Chính phủ thì nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là “Nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh đối với DNNN theo từng loại hình, lĩnh vực, địa bàn hoạt động đặc thù của doanh nghiệp”.
Nghị quyết số 60/2018/QH14 đã được thay thế bởi Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội5, tuy nhiên nội dung này gắn với đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước thuộc nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không trùng với nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại Dự thảo Nghị quyết.
3. Ý kiến khác
Đối với nhiệm vụ của Bộ Tài chính tại gạch đầu dòng thứ nhất điểm a, khoản 4, mục III trang 8 Dự thảo Nghị quyết giao Bộ Tài chính6, đề nghị hiệu chỉnh lại như sau:
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ hiệu chỉnh thành “Trong quý II năm 2022” để đảm bảo phù hợp với thời gian ban hành Nghị quyết (hiện nay đã là Quý II/2022).
- Đề nghị bỏ nội dung “Kiến nghị phương hướng kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực tài chính của Quỹ, cơ chế bảo đảm an toàn vốn của quỹ nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ dòng tiền cho các DNNVV khôi phục sản xuất kinh doanh.” do trên cơ sở rà soát, đánh giá Nghị định số 34/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính sẽ có các kiến nghị đề xuất phù hợp với thực trạng của Quỹ bảo lãnh tín dụng.
Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”
2 Về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước
3 Về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
4 Ban hành chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
5 Về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII
6 Trong quý I năm 2022, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ... Kiến nghị phương hướng kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực tài chính của Quỹ, cơ chế bảo đảm an toàn vốn của quỹ nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ dòng tiền cho các DNNVV khôi phục sản xuất kinh doanh