Open navigation

Quyết định 2043/QĐ-BTC Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa XNK và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2043/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2018


QUYẾT ĐỊNH


VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ TÀI CHÍNH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1254/QĐ-TTG NGÀY 26/9/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THÚC ĐẨY CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA, CƠ CHẾ MỘT CỬA ASEAN, CẢI CÁCH CÔNG TÁC KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀ TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI GIAI ĐOẠN 2018-2020

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Mục tiêu

- Phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, chuẩn hóa quy trình, phát triển phần mềm, kết nối hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo triển khai 100% các thủ tục hành chính theo kế hoạch chung của Chính phủ.

- Đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử.

- Các chứng từ điện tử được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác có liên quan.

- Thực hiện trao đổi và công nhận lẫn nhau về các chứng từ thương mại được cấp dưới dạng điện tử với các nước ASEAN và các trao đổi, xử lý chứng từ thương mại với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành cắt giảm và đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải quản lý và kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan; cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu xuống dưới 10%.

- Hoàn thiện về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.

- Năm 2019, trình Quốc hội Đề án thí điểm thực hiện Cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

- Năm 2019, tất cả các lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trước thông quan phải có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí kiểm tra.

- Triển khai đầy đủ Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) theo lộ trình mà Việt Nam đã cam kết.

II. Giải pháp thực hiện

1. Thực hiện tốt công tác điều phối, tham mưu Ủy ban 1899 chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các Bộ, ngành

- Trên cơ sở bám sát Kế hoạch hành động của Chính phủ, chỉ đạo của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (gọi tắt là Ủy ban 1899) và Kế hoạch hành động đã đăng ký của các Bộ, ngành, Tổng cục Hải quan thực hiện tốt công tác điều phối, đôn đốc các Bộ, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện, đảm bảo triển khai các nội dung theo đúng kế hoạch.

- Phối hợp với các Bộ, ngành, thường xuyên, định kỳ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Ủy ban 1899 kết quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại trong thời gian tới.

2. Triển khai và phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đáp ứng yêu cầu triển khai các thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch

- Triển khai CNTT tại Tổng cục Hải quan để thực hiện kết nối các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành với Cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành.

- Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành rà soát, thống nhất quy trình nghiệp vụ, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, kết nối kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, tổ chức triển khai chính thức đảm bảo triển khai theo đúng kế hoạch.

- Xây dựng bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại để áp dụng chung cho tất cả các thủ tục hành chính thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia.

- Triển khai mở rộng Đề án quản lý, giám sát tự động đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh theo các loại hình vận chuyển đường biển, đường bộ, đường không và các loại hình vận tải đa phương thức.

- Thường xuyên hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các Bộ, ngành trong việc thực hiện các thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đáp ứng yêu cầu triển khai các thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia; trước mắt tập trung xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

- Tổ chức kết nối với Bộ Giao thông vận tải để trao đổi, chia sẻ thông tin định vị đối với phương tiện vận tải đường biển, đường bộ thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

3. Tiếp tục triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, mở rộng trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN

- Tiếp tục triển khai trao đổi C/O điện tử mẫu D với 4 nước ASEAN (Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan) và mở rộng trao đổi với các nước ASEAN khác khi các nước này triển khai chính thức.

- Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện trao đổi thông tin tờ khai hải quan và chứng nhận kiểm dịch điện tử với các nước ASEAN.

- Tham gia đàm phán, trao đổi và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện trao đổi thông tin C/O và chứng từ thương mại với các đối tác ngoài ASEAN mà Việt Nam đã cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do.

4. Tiếp tục cải cách toàn diện công tác cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành

Phối hợp các Bộ, ngành cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

- Rà soát, cắt giảm tối đa danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại; chỉ kiểm tra chuyên ngành trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mất an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

- Rà soát, ban hành đầy đủ Danh mục thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành kèm tên hàng và mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam 2017.

- Phối hợp với các Bộ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng áp dụng phương pháp quản lý rủi ro và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; thực hiện công nhận lẫn nhau; ưu tiên và tạo thuận lợi đối với các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được.

- Rà soát, loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

- Ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành (trường hợp không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì phải công bố chỉ tiêu, phương pháp kiểm tra).

- Đẩy mạnh điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo mục tiêu, lộ trình triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã đề ra.

- Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

5. Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại

- Xây dựng và triển khai Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

- Xây dựng và triển khai Đề án thí điểm thực hiện cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành

- Triển khai đầy đủ, hiệu quả Quyết định số 1969/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch chuẩn bị và triển khai thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

6. Tổ chức thực hiện

a) Giao Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tổ chức triển khai Kế hoạch hành động này, định kỳ trước ngày 10 hàng tháng tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính, Ủy ban 1899 kết quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành và tạo thuận lợi thương mại.

b) Giao Tổng cục Hải quan chủ động xây dựng hệ thống tại Tổng cục Hải quan, phối hợp trao đổi về giải pháp công nghệ với các Bộ, ngành trước và trong quá trình triển khai các thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại.

c) Giao Vụ Hành chính sự nghiệp chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, Vụ I, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính thẩm định nhu cầu kinh phí triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020 của các Bộ, cơ quan Trung ương thuộc phạm vi quản lý, gửi Vụ Ngân sách Nhà nước để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí dự toán hàng năm theo quy định.

c) Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) và Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong việc hoàn thiện các văn bản pháp luật, thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, trong đó có Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

d) Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), Cục Kế hoạch Tài chính (Bộ Tài chính) có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong việc đầu tư phát triển các hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tài chính quốc phòng an ninh đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Cục trưởng Cục Kế hoạch tài chính và Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.



Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, TCHQ (47 b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Thị Mai


Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.