TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6315/CT-TTHT | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 06 năm 2018 |
Kính
gửi: Ngân hàng TMCP Phương Đông
Địa chỉ: 41 và 45 Lê Duẩn, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM
Mã số thuế: 0300852005
Trả lời văn bản số 740/2018/CV-OCB ngày 11/6/2018 của Ngân hàng về trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn; Cục Thuế TP có ý kiến như sau:
Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp:
“Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc 31/12 hàng năm) thì thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được trích lập và hoàn nhập dự phòng ở cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.”
Căn cứ Điều 1 Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC quy định đối tượng, điều kiện, phương pháp trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính dài hạn như sau:
“a) Đối tượng: là các khoản vốn doanh nghiệp đang đầu tư vào tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật (bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không đủ Điều kiện để trích lập dự phòng theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính, công ty liên doanh, công ty hợp danh) và các khoản đầu tư dài hạn khác phải trích lập dự phòng nếu tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư bị lỗ (trừ trường hợp lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư).
Việc trích lập dự phòng đầu tư dài hạn được thực hiện đối với các khoản đầu tư được trình bày theo phương pháp giá gốc, không áp dụng cho các khoản đầu tư trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
b) Điều kiện: Doanh nghiệp chỉ thực hiện trích lập dự phòng khi tổng số vốn đầu tư thực tế của chủ sở hữu cao hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được đầu tư.
c) Phương pháp trích lập dự phòng:
Mức trích cho mỗi khoản đầu tư tài chính bằng số vốn đã đầu tư và tính theo công thức sau:
Mức trích dự phòng cho mỗi khoản đầu tư tài chính | = | Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế | - | Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế | x | Số vốn đầu tư của mỗi bên |
Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế |
Trong đó:
- Tổng vốn đầu tư thực tế của các bên tại tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế nhận vốn góp tại thời điểm trích lập dự phòng (mã số 411 và 412 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).
- Vốn chủ sở hữu thực có của tổ chức kinh tế được xác định trên Bảng cân đối kế toán năm của tổ chức kinh tế tại thời điểm trích lập dự phòng (mã số 410 Bảng cân đối kế toán - ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).”.
…
d. Xử lý khoản dự phòng:
Tại thời điểm lập dự phòng nếu các khoản vốn đầu tư vào tổ chức kinh tế bị tổn thất do tổ chức kinh tế bị lỗ thì phải trích lập dự phòng tổn thất các đầu tư tài chính theo các quy định tại tiết c Điều này;
Nếu số dự phòng tổn thất đầu tư tài chính phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp không phải trích lập khoản dự phòng tổn thất đầu tư tài chính;
Nếu số dự phòng phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp trích thêm vào chi phí tài chính của doanh nghiệp phần chênh lệch.
Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch ghi giảm chi phí tài chính.”
Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“…
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.19. Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
…”
Trường hợp của Ngân hàng theo trình bày, có thực hiện góp vốn đầu tư vào các Công ty bên ngoài (đối tác) thì về nguyên tắc nếu kết quả kinh doanh ghi nhận trên Báo cáo tài chính cuối năm của đối tác phát sinh lỗ (không phải là lỗ theo kế hoạch đã được xác định trong phương án kinh doanh trước khi đầu tư) và tổng số vốn đầu tư thực tế của Ngân hàng hơn tổng giá trị vốn chủ sở hữu thực có của đối tác thì tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, Ngân hàng được trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn theo quy định nêu trên (căn cứ vào Bảng cân đối kế toán của đối tác để tính trích lập dự phòng) và được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Cục Thuế TP thông báo Ngân hàng biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.
| KT. CỤC TRƯỞNG |