BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4273/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2017 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ KIỂM TRA THEO DẤU HIỆU VI PHẠM NGHIỆP VỤ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 của Quốc hội ngày 23/6/2014;
Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 của Quốc hội ngày 15/11/2010;
Căn cứ Luật Phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 ngày 29/11/2005 đã được sửa đổi bổ sung một số Điều theo Luật số 01/2007/QH12 ngày 04/8/2007 và Luật số 27/2012/QH12 ngày 23/11/2012;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 ngày 13/11/2008 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 09/10/2012 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra ngành tài chính;
Căn cứ Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;
Căn cứ Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 02/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 32/2006/QĐ-BTC ngày 06/6/2006 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế về hoạt động thanh tra, kiểm tra tài chính;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm nghiệp vụ trong ngành Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 và thay thế quyết định số 1952/QĐ-TCHQ ngày 10/9/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc ban hành Quy chế giám sát, kiểm tra đột xuất trong ngành Hải quan.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TỔNG CỤC TRƯỞNG |
KIỂM TRA THEO DẤU HIỆU VI PHẠM NGHIỆP VỤ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4273/QĐ-TCHQ ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, hành lý xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trong địa bàn hoạt động hải quan và các hoạt động theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tại cơ quan Hải quan các cấp.
1. Phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức Hải quan khi thực hiện quy trình, thủ tục hải quan, thực thi công vụ.
2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; các hành vi vi phạm chính sách quản lý mặt hàng, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
1. Việc kiểm tra được tiến hành khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về Hải quan.
2. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi người có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đảm bảo khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật.
Điều 4. Căn cứ tiến hành kiểm tra
1. Việc kiểm tra được tiến hành khi có thông tin phản ánh hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức:
1.1. Vi phạm Luật Viên chức, Luật Cán bộ, công chức.
1.2. Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan dưới mọi hình thức; cung cấp, tiết lộ thông tin thống kê hàng hóa xuất nhập, nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân không đúng thẩm quyền.
1.3. Tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; sử dụng các loại ma túy; uống rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; hút thuốc lá, thuốc lào ở những nơi có quy định cấm.
1.4. Tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin về hoạt động nghiệp vụ của ngành làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân liên quan. Có cử chỉ, lời nói, thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi hoạt động công vụ; tự ý đặt ra các điều kiện, yêu cầu thủ tục không đúng quy định trong thực thi công vụ; lợi dụng hoạt động công vụ được giao để mưu lợi cá nhân hoặc nhận hối lộ dưới mọi hình thức.
1.5. Sử dụng các phương tiện, tài sản và tiền bạc của nhà nước được trang cấp trong thực thi công vụ cho các mục đích cá nhân; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ được giao; tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ hoặc tịch thu.
1.6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để bao che, dung túng những hành vi vi phạm trong thẩm quyền quản lý.
1.7. Lợi dụng chức trách, thẩm quyền và thông tin liên quan đến công vụ để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản của nhà nước, cá nhân và mưu lợi cá nhân.
1.8. Chấp nhận việc khai báo không đầy đủ các thông tin về hàng hóa dẫn tới khai sai tên hàng, mã số, mức thuế suất và trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu làm thiếu số thuế phải nộp.
1.9. Yêu cầu người khai hải quan nộp, xuất trình các chứng từ không nằm trong quy định của pháp luật.
1.10. Chấp nhận hồ sơ hải quan không đầy đủ, các chứng từ có mâu thuẫn, bất hợp lý của người khai hải quan dẫn đến việc xác định sai về chính sách mặt hàng, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
1.11. Thỏa thuận về mã số hàng hóa, mức thuế suất, trị giá hải quan để làm sai lệch số tiền thuế phải nộp nhằm mục đích vụ lợi.
1.12. Cố tình áp sai mã số hàng hóa, mức thuế suất đối với những hàng hóa có thông báo kết quả xác định trước mã số, thông báo kết quả phân tích, phân loại của lô hàng đã được thông quan trước đó.
1.13. Không đánh dấu nghi vấn đối với mặt hàng có trị giá khai báo thấp hơn mức giá tham chiếu của hàng hóa giống hệt, tương tự trong Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá, cơ sở dữ liệu trên hệ thống thông tin quản lý dữ liệu giá tính thuế, kết quả kiểm tra sau thông quan về trị giá hoặc chấp nhận trị giá khai báo nhưng không đủ cơ sở, không thực hiện đúng thủ tục kiểm tra, xác định trị giá hải quan.
1.14. Không thực hiện thủ tục hủy tờ khai đối với các trường hợp hủy tờ khai theo quy định. Không thông báo cho Cục Thuế nội địa, Chi cục Hải quan đối với trường hợp hủy tờ khai hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc từ trong nước hoặc nhập khẩu để theo dõi, xử lý hoàn thuế, không thu thuế.
1.15. Thực hiện chuyển luồng/dừng đưa hàng qua khu vực giám sát các tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu trên hệ thống mà không có dấu hiệu, căn cứ cụ thể. Đề xuất, thiết lập tiêu chí rủi ro không đúng chỉ đạo, không có căn cứ rõ ràng. Tác động làm thay đổi kết quả phân luồng để lọt sai phạm của doanh nghiệp.
1.16. Không kiểm tra hoặc kiểm tra không đúng hình thức, mức độ kiểm tra của tờ khai hải quan.
1.17. Xác nhận trên hệ thống, tờ khai hải quan và các chứng từ tài liệu có liên quan khi không đủ điều kiện cho phép xác nhận.
1.18. Không tiến hành lập biên bản, báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý khi phát hiện hành vi vi phạm của đối tượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
1.19. Xử lý vi phạm hành chính về hải quan lạm quyền, vượt thẩm quyền, hoặc xử lý không đúng hành vi vi phạm, giảm mức độ hành vi vi phạm để bao che, trục lợi.
1.20. Cho phép người khai hải quan đưa hàng về bảo quản, giải phóng hàng, thông quan hàng hóa không đủ điều kiện theo quy định.
1.21. Không thực hiện giám sát hoặc giám sát không chặt chẽ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đưa vào, đưa ra khu vực cửa khẩu, cảng, kho, bãi; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh; quá trình xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
1.22. Không theo dõi tình trạng vận chuyển, không tổ chức truy tìm hàng hóa vi phạm quy định về vận chuyển hàng hóa chịu sự giám sát hải quan.
1.23. Thực hiện việc lấy mẫu hàng hóa xuất nhập khẩu để phân tích, phân loại không đúng tiêu chuẩn, quy cách, quy trình.
1.24. Lấy mẫu không đúng chủng loại cần phân tích, phân loại; lấy mẫu không đúng lô hàng thực nhập, thực xuất để phân tích, phân loại.
1.25. Chấp nhận những mẫu không đúng tiêu chuẩn, quy cách để phân tích. Tác động vào mẫu hàng hóa, máy móc thiết bị để làm sai lệch kết quả phân tích.
1.26. Chậm ban hành thông báo kết quả phân tích, phân loại theo quy định tại Thông tư số 14/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính mà không có lý do chính đáng.
1.27. Đối với những hàng hóa phải phân tích, phân loại để xác định mã số nhưng không sử dụng kết quả phân tích, phân loại để thông quan hàng hóa; không rà soát đối với những lô hàng đã được thông quan có cùng tên hàng, bản chất, tính năng, công dụng với thông báo kết quả phân loại.
1.28. Yêu cầu lấy mẫu để phân tích, phân loại trái các quy định của phân loại.
1.29. Trao đổi, thỏa thuận với các đối tượng dự kiến đưa vào hoặc đưa ra kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan nhằm phục vụ lợi ích bất hợp pháp.
1.30. Tiến hành thanh tra chuyên ngành, kiểm tra sau thông quan những nội dung ngoài kế hoạch, vượt thẩm quyền; không ghi nhận nội dung sai phạm đã được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra sau thông quan; làm sai lệch kết quả thanh tra, kiểm tra.
1.31. Cố tình làm sai lệch hồ sơ, báo cáo không trung thực, tham mưu trình cấp có thẩm quyền để công nhận doanh nghiệp ưu tiên khi không đủ tiêu chuẩn.
1.32. Tiếp nhận thông tin về buôn lậu mà không tiến hành các bước cần thiết theo quy định để xử lý thông tin, tiến hành bắt giữ xử lý vụ việc, cố ý che dấu thông tin về buôn lậu.
1.33. Không tiến hành điều tra xác minh đối với vụ việc có dấu hiệu hình sự hoặc không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc có đủ yếu tố khởi tố thuộc thẩm quyền.
1.34. Cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án theo hướng giảm nhẹ để trục lợi.
1.35. Tổ chức buôn lậu; bao che, tiếp tay cho các đối tượng thực hiện việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, sản xuất, buôn bán hàng cấm.
1.36. Tiết lộ, để lộ thông tin liên quan đến kế hoạch đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
1.37. Tham mưu hoặc ban hành văn bản, chuyên môn, nghiệp vụ không đúng nội dung thẩm quyền theo quy định.
1.38. Không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không đúng quy định khi người khai hải quan có yêu cầu được hướng dẫn các nội dung liên quan trực tiếp đến việc khai, làm thủ tục hải quan theo quy định.
1.39. Không cập nhật kịp thời các thông tin vào các hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định.
1.40. Khi có thông tin cán bộ, công chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình nghiệp vụ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; hành lý xuất cảnh, nhập cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh có dấu hiệu buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại, vi phạm chính sách quản lý mặt hàng, chính sách thuế.
2. Theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo cấp có thẩm quyền (Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố).
3. Thông tin tại Khoản 1 Điều này được thu thập từ các nguồn: Đường dây nóng; khiếu nại, tố cáo; thông tin nghiệp vụ hải quan qua kết quả theo dõi giám sát, phân tích thông tin trên hệ thống và kiểm tra giám sát nội bộ tại hải quan các cấp; hoạt động giám sát trực tuyến trong ngành hải quan; phản ánh của tổ chức, quần chúng nhân dân, các cơ quan hữu quan, phương tiện thông tin đại chúng và các nguồn thông tin khác.
1. Đối với cấp Tổng cục Hải quan
a) Các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan: Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Vụ Pháp chế, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan và Cục Quản lý rủi ro khi tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm phải khẩn trương lập kế hoạch trình Lãnh đạo Tổng cục phê duyệt để triển khai thực hiện. Đối với các đơn vị còn lại khi có thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm thì báo cáo Lãnh đạo Tổng cục giao Vụ Thanh tra - Kiểm tra đề xuất biện pháp triển khai, thực hiện.
b) Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan xét thấy chưa cần thiết phải thành lập Đoàn kiểm tra, thì báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Hải quan chuyển thông tin phản ánh đó đến các đơn vị có trách nhiệm xử lý. Chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày xử lý xong, các đơn vị phải báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan (qua Vụ Thanh tra - Kiểm tra).
c) Khi có quyết định kiểm tra, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan được giao chủ trì cuộc kiểm tra gửi 01 bản về Vụ Thanh tra - Kiểm tra. Sau khi thực hiện xong phải báo cáo kết quả kiểm tra đến Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đồng thời gửi 01 bản báo cáo kết quả kiểm tra về Vụ Thanh tra - Kiểm tra để tổng hợp.
d) Giao Vụ Thanh tra - Kiểm tra tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm nghiệp vụ của các đơn vị trong toàn ngành Hải quan cùng với báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng theo quy định (tháng, quý, năm).
2. Đối với cấp Cục Hải quan
a) Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố giao Phòng Thanh tra kiểm tra, Phòng được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chủ trì đánh giá thông tin, củng cố chứng cứ để lập kế hoạch kiểm tra, xác minh trình Lãnh đạo Cục phê duyệt thực hiện. Đối với các thông tin phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển thông tin đó đến cơ quan có thẩm quyền.
b) Tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm từ các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện theo điểm b Khoản 1 Điều này.
1. Đoàn kiểm tra thông báo quyết định kiểm tra, kèm giấy chứng minh hải quan để yêu cầu công chức Hải quan có mặt và liên quan thực hiện ngay các nội dung yêu cầu. Quyết định kiểm tra có thể được thông báo trước hoặc sau khi kiểm tra với Thủ trưởng đơn vị nơi tiến hành kiểm tra.
2. Sau khi kiểm tra, đã phát hiện và ngăn chặn được hành vi vi phạm, Đoàn kiểm tra yêu cầu tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý và báo cáo theo đúng quy định. Kết quả xử lý phải được gửi thông báo cho Trưởng đoàn kiểm tra.
Điều 7. Quyết định kiểm tra và phê duyệt kế hoạch kiểm tra
1. Tổng cục trưởng; Phó Tổng cục trưởng được giao phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra ký ban hành quyết định kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời phê duyệt kế hoạch kiểm tra hoặc ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục (Cục trưởng, Vụ trưởng và tương đương) ký quyết định kiểm tra, đồng thời phê duyệt kế hoạch kiểm tra để tổ chức thực hiện.
2. Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố ký ban hành quyết định kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý, đồng thời phê duyệt kế hoạch kiểm tra.
3. Nội dung quyết định kiểm tra gồm:
a) Căn cứ ban hành quyết định kiểm tra.
b) Đối tượng kiểm tra, nội dung, phạm vi, nhiệm vụ của Đoàn kiểm tra.
c) Thời kỳ kiểm tra, thời hạn kiểm tra.
d) Trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên Đoàn kiểm tra.
4. Đối với những trường hợp cấp thiết phải tiến hành kiểm tra ngay thì việc xây dựng kế hoạch kiểm tra có thể thực hiện sau, nhưng tối đa không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày tiến hành kiểm tra.
5. Trường hợp kế hoạch kiểm tra của Tổng cục Hải quan chồng chéo (về phạm vi, đối tượng, thời gian và nội dung kiểm tra) với kế hoạch kiểm tra của Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì Tổng cục Hải quan tiến hành kiểm tra. Đồng thời Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm bàn giao lại toàn bộ thông tin, hồ sơ có liên quan đến kế hoạch kiểm tra cho Tổng cục Hải quan (Đoàn kiểm tra) để triển khai, thực hiện.
Điều 8. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đoàn kiểm tra
1. Triển khai thực hiện kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, quy định của ngành và phải thực hiện theo đúng nội dung, đối tượng, thời hạn đã ghi trong quyết định kiểm tra.
2. Quyền hạn của Đoàn kiểm tra thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra và được thực hiện thông qua nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn kiểm tra.
3. Thực hiện theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 và Điều 11 của Quy chế này.
4. Phối hợp với các lực lượng chức năng khác có liên quan (Công an, Bộ đội biên phòng, Cảng vụ, Quản lý thị trường, Thuế nội địa...) để thu thập tài liệu, xác minh làm rõ hành vi vi phạm.
Điều 9. Những điều nghiêm cấm đối với Đoàn kiểm tra.
1. Không tiết lộ danh sách, nội dung Kế hoạch kiểm tra với các tổ chức, cá nhân không liên quan.
2. Không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để làm trái quy định, bao che hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân.
3. Khi tiến hành kiểm tra không được làm cản trở đến hoạt động bình thường tại đơn vị được kiểm tra và các tổ chức cá nhân có liên quan.
4. Nghiêm cấm việc gợi ý, yêu cầu đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để nhận lợi ích bất hợp pháp.
Điều 10. Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng đoàn kiểm tra.
1. Tiêu chuẩn của Trưởng đoàn kiểm tra.
a) Có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, có bản lĩnh chính trị, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
b) Nắm chắc pháp luật hải quan và các pháp luật có liên quan, thông thạo nghiệp vụ hải quan, am hiểu về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra; có khả năng thu thập, phân tích thông tin, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của ngành.
c) Có khả năng tổ chức, chỉ đạo các thành viên trong Đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm tra được giao.
d) Đang là lãnh đạo cấp Phòng/Chi cục hoặc tương đương trở lên hoặc đang giữ ngạch Kiểm tra viên chính hải quan trở lên.
2. Nhiệm vụ của Trưởng đoàn kiểm tra
a) Xây dựng kế hoạch và dự thảo quyết định kiểm tra trình người ra quyết định kiểm tra phê duyệt.
b) Phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Đoàn kiểm tra.
c) Chỉ đạo các thành viên Đoàn kiểm tra thực hiện đúng nội dung, phạm vi, thời hạn ghi trong quyết định kiểm tra.
d) Báo cáo tiến độ thực hiện, các trường hợp vướng mắc, phát sinh vượt thẩm quyền đến người ra quyết định kiểm tra để có chỉ đạo, xử lý kịp thời.
đ) Lập và ký biên bản kiểm tra; Báo cáo với người ra quyết định kiểm tra về kết quả kiểm tra và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của báo cáo đó.
e) Tiếp nhận báo cáo xử lý vụ việc của đơn vị được kiểm tra. Khi phát hiện việc xử lý có dấu hiệu chưa đúng quy định của pháp luật thì báo cáo người ra quyết định kiểm tra.
g) Bàn giao hồ sơ kiểm tra.
3. Quyền hạn của Trưởng đoàn kiểm tra
a) Tổ chức, chỉ đạo kiểm tra, giám sát tại địa điểm, khu vực, nơi công chức hải quan thực hiện quy trình, quy chế, quy định về pháp luật hải quan theo chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao để phát hiện hành vi vi phạm.
b) Yêu cầu đơn vị liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu, hình ảnh; cấp quyền truy cập để kiểm tra trên các Hệ thống nghiệp vụ hải quan điện tử; sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ khác như ghi hình, ghi âm, chụp ảnh...
c) Yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.
d) Lập biên bản đối với công chức hải quan có hành vi cản trở, không thực hiện yêu cầu của Trưởng đoàn kiểm tra.
đ) Yêu cầu người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm để xác minh làm căn cứ cho việc kết luận, xử lý.
e) Yêu cầu cấp có thẩm quyền tạm đình chỉ công tác đối với công chức hải quan khi xét thấy vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, nếu để công chức tiếp tục công tác thì sẽ gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gây cản trở cho công tác kiểm tra.
g) Kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức hải quan sai phạm và công chức hải quan có liên quan.
h) Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi xử lý hồ sơ hải quan nâng mức độ kiểm tra hoặc dừng đưa hàng qua khu vực giám sát để kiểm tra thực tế đối với các lô hàng có dấu hiệu vi phạm. Giám sát quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa.
i) Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên Đoàn kiểm tra; quản lý các thành viên Đoàn kiểm tra trong thời gian thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; đề nghị người ra quyết định kiểm tra thay đổi, bổ sung thành viên Đoàn kiểm tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để giải quyết các kiến nghị của thành viên Đoàn kiểm tra.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, Trưởng Đoàn kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi quyết định của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật theo quy định.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thành viên Đoàn kiểm tra
1. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn kiểm tra, báo cáo Trưởng Đoàn kiểm tra về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ được phân công.
2. Trong quá trình kiểm tra nếu cần các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, các thành viên Đoàn kiểm tra phải đề xuất với Trưởng đoàn lập phiếu yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp.
3. Kiến nghị Trưởng đoàn kiểm tra áp dụng các biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn kiểm tra theo quy định của pháp luật và quy định tại Khoản 3 Điều 10 của Quy chế này.
4. Kiểm tra, giám sát tại địa điểm, khu vực, nơi công chức Hải quan thực hiện quy trình, quy chế, quy định về pháp luật hải quan theo chức trách nhiệm vụ, quyền hạn được giao để phát hiện hành vi vi phạm.
5. Khi thực hiện kiểm tra nếu phát hiện sai sót của đối tượng kiểm tra, các thành viên Đoàn kiểm tra phải phản ánh ngay với Trưởng đoàn và kiến nghị biện pháp xử lý.
6. Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao với Trưởng đoàn kiểm tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng đoàn kiểm tra về tính chính xác, trung thực, khách quan của nội dung đã báo cáo. Kiến nghị việc xử lý những vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra.
7. Tham gia xây dựng biên bản, báo cáo kết quả kiểm tra.
8. Thực hiện các công việc khác liên quan đến cuộc kiểm tra khi được Trưởng đoàn giao.
Điều 12. Trách nhiệm của đơn vị và cá nhân chịu sự kiểm tra
1. Đối với Thủ trưởng đơn vị có liên quan:
a) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, đúng thời gian đối với những nội dung công việc theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
b) Nghiêm cấm việc bao che, tác động làm sai lệch hoặc thiếu khách quan bản chất sự việc.
c) Tổ chức, triển khai công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài liệu, trang thiết bị nghiệp vụ của Đoàn kiểm tra đang thực hiện kiểm tra tại đơn vị mình khi có yêu cầu hoặc khi thấy cần thiết.
d) Tiếp nhận toàn bộ hồ sơ do Trưởng đoàn kiểm tra cung cấp. Gửi báo cáo xử lý vụ việc cho người ra quyết định kiểm tra và Trưởng đoàn kiểm tra.
2. Đối với công chức hải quan có liên quan:
a) Thực hiện ngay các yêu cầu của Đoàn kiểm tra; cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan; làm việc trực tiếp với Đoàn, báo cáo giải trình bằng văn bản về vụ việc sai phạm do mình gây ra gửi Đoàn kiểm tra. Đồng thời báo cáo việc thực hiện đến lãnh đạo theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.
b) Nghiêm cấm hành vi mua chuộc, gây cản trở cho Đoàn kiểm tra; tác động, can thiệp gây phức tạp tình hình; báo cáo, thông tin không đúng sự thật làm sai lệch bản chất vụ việc.
Điều 13. Điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện nhiệm vụ
1. Được sử dụng phương tiện của cơ quan đơn vị hoặc thuê phương tiện xe máy, taxi, ôtô bên ngoài (nếu xét thấy cần thiết đảm bảo tính bí mật) để thực hiện nhiệm vụ.
2. Đối với các Thành viên tham gia Đoàn kiểm tra chưa đủ tiêu chuẩn đi công tác bằng phương tiện máy bay thì được thanh toán vé máy bay để phục vụ công việc.
3. Các đơn vị: Vụ Thanh tra - Kiểm tra, Vụ Pháp chế, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan và Cục Quản lý rủi ro được cấp quyền sử dụng các Hệ thống nghiệp vụ hải quan để phục vụ công việc thu thập, phân tích thông tin. Đối với đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố được giao chủ trì cuộc kiểm tra được quyền sử dụng chức năng EUC để phục vụ công việc.
1. Đơn vị, cá nhân thực hiện tốt Quy chế này, có thành tích sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành.
2. Đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng Quy chế này sẽ không được đưa vào bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm hoặc bị xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm phổ biến, quán triệt Quy chế này đến cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị mình và chỉ đạo việc triển khai tổ chức thực hiện.
2. Hàng tháng, các đơn vị báo cáo kết quả hoạt động kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm nghiệp vụ của đơn vị mình về Tổng cục Hải quan (qua Vụ Thanh tra - Kiểm tra). Nội dung báo cáo này được bổ sung vào báo cáo công tác Phòng chống tham nhũng hàng tháng theo quy định. Trong nội dung báo cáo phải có các tiêu chí: số cuộc kiểm tra, đối tượng kiểm tra, nội dung kiểm tra, những kết luận, kiến nghị của Đoàn kiểm tra, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của đối tượng kiểm tra và tổ chức, cá nhân có liên quan.
3. Trong quá trình tổ chức, thực hiện Quy chế này nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng cục Hải quan (qua Vụ Thanh tra - Kiểm tra) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.