Open navigation

Công văn 7465/BKHĐT-KTDV ngày 19/10/2022 Triển khai kết quả phiên họp lần thứ 102 của Ủy ban điều phối ASEAN về dịch vụ (CCS 102)

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7465/BKHĐT-KTDV

V/v triển khai kết quả phiên họp lần thứ 102 của Ủy ban điều phối ASEAN về dịch vụ (CCS 102)

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2022

 

Kính gửi:

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ: Công Thương; Công an (Cục An ninh kinh tế); Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngoại giao; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Y tế;

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phiên họp lần thứ 102 của Ủy ban điều phối ASEAN về dịch vụ (CCS 102) được tổ chức từ ngày 28-30/9/2022 tại Manila, Philippines. Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư (trưởng đoàn), đại diện các Bộ: Công an, Ngoại giao, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin thông báo kết quả chính của phiên họp và đề xuất triển khai một số nội dung, cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ PHIÊN HỌP

Phiên họp đã thảo thảo luận, cập nhật tình hình triển khai một số cam kết về tự do hóa thương mại dịch vụ bao gồm gói cam kết dịch vụ thứ 10 (AFAS 10th), Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA), khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF), Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN (MNP), hoạt động của các nhóm công tác chuyên môn. Theo đó, Ban Thư ký ASEAN đề nghị các quốc gia tham vấn và đưa ra ý kiến về một số nội dung:

- Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA): CCS yêu cầu các quốc gia tham khảo ý kiến về định dạng chung sửa đổi do Ban Thư ký ASEAN chuẩn bị dựa trên ý kiến của các quốc gia tại cuộc họp trước để thông qua tại cuộc họp tiếp theo. CCS lưu ý quan điểm của các quốc gia có thể thực hiện điều chỉnh khi có các tình huống cụ thể cần được phản ảnh trong định dạng chung và tiêu đề (Phụ lục 13).

- Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF): CCS yêu cầu các quốc gia tham vấn nội bộ về dự thảo văn bản ASFF và đóng góp ý kiến cho các cuộc thảo luận tiếp theo. Trường hợp có liên quan, các quốc gia có thể đề xuất văn bản bổ sung, bao gồm hình thức thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các Nhóm công tác ngành. Ngoài ra, CCS cũng yêu cầu các quốc gia cung cấp quan điểm về tính pháp lý của ASFF (lưu ý một số văn bản được lấy hoặc sửa đổi từ một số thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý) cũng như phương thức vận hành ưu tiên (ví dụ: thông qua chứng thực/thông qua hoặc ký kết) (Phụ lục 16).

- Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN (MNP): CCS yêu cầu các quốc gia đưa ra quan điểm về sự kiện hoặc phương thức ký kết thông qua ma trận tại Phụ lục 19 trước ngày 07/10/2022. Ngày dự kiến để ký kết Nghị định thư MNP là cuộc họp Hội đồng AEC lần thứ 21 dự kiến vào tháng 11/2022. CCS thống nhất ngày và địa điểm ký kết Nghị định thư MNP sẽ là ngày và địa điểm ký cuối cùng của Nghị định thư.

- Về các nhóm công tác chuyên ngành: Chủ tịch các nhóm công tác chuyên ngành (Nhóm công tác dịch vụ chuyên môn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ logistics) đã báo cáo kết quả họp nhóm công tác chuyên ngành tại hội nghị.

(Một số nội dung cụ thể tại Phụ lục và báo cáo Tiếng Anh kèm theo)

II. KIẾN NGHỊ TRIỂN KHAI KẾT QUẢ PHIÊN HỌP

Trên cơ sở kết quả thảo luận và thống nhất tại phiên họp, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao và chuẩn bị cho các phiên họp tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và có ý kiến đối với các nội dung cụ thể như sau:

1. Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA)

Đề nghị các Bộ, ngành có ý kiến về định dạng chung sửa đổi và phần tiêu đề chung của danh mục NCM Hiệp định ATISA do Ban Thư ký dự thảo.

2. Hiệp định di chuyển thể nhân MNP

- Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt Nghị định thư MNP, đề nghị các Bộ ngành có ý kiến đối với hồ sơ nêu trên.

- Đề nghị các Bộ ngành đưa ra quan điểm về sự kiện có thể tham dự để ký kết và phương thức ký kết Nghị định thư MNP.

3. Các nội dung khác

- Đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu tài liệu về Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF), có ý kiến về tính pháp lý của ASFF và phương thức vận hành ưu tiên của ASFF.

- Đề nghị các Bộ, ngành nghiên cứu, có ý kiến đối với nội dung liên quan đến Chỉ số rào cản thương mại dịch vụ (STRI) của OECD (Ý kiến về dự thảo báo cáo của OECD; Đề xuất mở rộng phạm vi ASEAN - STRI bao gồm 22 phân ngành dịch vụ hoặc chỉ một số phân ngành đã được xác định; Các sáng kiến tiếp theo).

- Đề nghị các Bộ, ngành báo cáo về các nhiệm vụ, hoạt động, tiến độ công việc của các nhóm công tác do các các Bộ, ngành phụ trách tham gia. Trên cơ sở đó, đề xuất về việc sắp xếp lại các nhóm công tác trực thuộc CCS để thảo luận tại cuộc họp tiếp theo.

- Đề nghị Bộ Y tế có ý kiến về một số nội dung, cụ thể:

+ Dịch vụ e-Healthcare: Hoàn thiện trả lời Khảo sát sức khỏe điện tử ASEAN theo thời hạn quy định; Gửi 04 Thông tư về quy định đối với các dịch vụ e-Healthcare trước cuộc họp nhóm dịch vụ chăm sóc sức khỏe (HSSWG) tiếp theo.

+ Gửi thông tin về các quy định và thông lệ về Du lịch chăm sóc sức khỏe theo ma trận của Ban Thư ký.

+ Về Chủ tịch HSSWG: Việt Nam đã không nhận nhiệm vụ Chủ tịch HSSWG theo lượt luân phiên vào năm trước. Do đó, hội nghị đề nghị Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch trong nhiệm kỳ từ ngày 01/01-31/12/2023. Việt Nam đã thông báo với hội nghị sẽ nghiên cứu và đưa ra phản hồi về quyết định đảm nhiệm Chủ tịch HSSWG và AJCCs. Trong trường hợp Việt Nam không thể đảm nhận chức Chủ tịch cho năm 2023, Cambodia và Indonesia sẽ là quốc gia tiếp theo xem xét đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên. Đề nghị Bộ Y tế có ý kiến về khả năng đảm nhiệm chức Chủ tịch HSSWG và AJCCs năm 2023, thông báo cho HSSWG theo thời hạn quy định.

- Đề nghị các Bộ, ngành có ý kiến đề xuất các hoạt động ưu tiên liên quan đến khóa đào tạo do ERIA hỗ trợ tổ chức thực hiện trong năm 2023.

- Đề nghị các Bộ, ngành cử đại diện tham dự các cuộc họp nhóm công tác liên quan và các phiên họp CCS tiếp theo.

Văn bản trả lời của Quý Cơ quan vui lòng gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 25/10/2022 để tổng hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Quý Cơ quan./.


Nơi nhận:
Như trên;
- Các Vụ: KTĐN, TCCB;
 - Lưu VT, KTDV, QA (02).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




 Võ Thành Thống



PHỤ LỤC

MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ TẠI PHIÊN HỌP CCS 102
(Ban hành kèm theo văn bản số 7465/BKHĐT-KTDV ngày 19/10/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

1. Tự do hóa thương mại dịch vụ

1.1. Gói cam kết dịch vụ thứ 10 (AFAS 10th)

Đến nay, 09 quốc gia bao gồm Việt Nam đã hoàn tất phê duyệt Nghị định thư thực hiện Gói AFAS 10th. Philippines vẫn đang thực hiện tham vấn nội bộ về một số vấn đề chính sách do những thay đổi luật pháp gần đây để hoàn thiện Gói AFAS 10th. Sau khi hoàn thành tham vấn kỹ thuật với Ban Thư ký ASEAN, biểu cam kết cụ thể (SOC), Philippines sẽ chia sẻ với các quốc gia thành viên để kiểm tra chéo trước khi hoàn thiện.

1.2. Phê duyệt Hiệp định thương mại dịch vụ ASEAN (ATISA)

- CCS cập nhật quan điểm của các quốc gia về nghĩa vụ ratchet, ý kiến của các quốc gia về định dạng chung và kế hoạch làm việc ATISA. Theo đó, Việt Nam đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền, yêu cầu thời gian ân hạn tương tự như CPTPP, nghĩa vụ ratchet được áp dụng cho một số ngành/phân ngành cụ thể.

CCS khẳng định ATISA không được tụt hậu so với các hiệp định thương mại tự do ASEAN+1 hoặc khu vực khác. Ngoài ra, liên quan đến quá trình chuyển đổi, CCS khẳng định các quốc gia sẽ gửi danh mục các biện pháp không tương thích (NCM) theo các mốc thời gian chuyển đổi như đã nêu trong ATISA. Do thỏa thuận quy định các mốc thời gian trình khác nhau, Chủ tịch CCS sẽ làm việc với Ban Thư ký ASEAN để đưa ra tài liệu phác thảo các bước chung mà các quốc gia cần thực hiện nhằm đáp ứng các mốc thời gian chuyển đổi tương ứng.

1.3. Dịch vụ tài chính và vận tải

CCS ghi nhận các cập nhật mới nhất trong việc tự do hóa dịch vụ tài chính và vận tải hàng không. CCS yêu cầu Ban Thư ký ASEAN thảo luận với WCFSL về tình hình công việc hiện tại của WC-FSL liên quan đến việc chuyển đổi AFAS sang ATISA NCM, ngoài ra, thông báo về các thảo luận của CCS về định dạng, nghĩa vụ ratchet, kế hoạch làm việc, công cụ pháp lý... có thể ảnh hưởng đến kế hoạch chuyển đổi NCM.

1.4. Khuôn khổ tạo thuận lợi dịch vụ ASEAN (ASFF)

CCS đã thảo luận về dự thảo văn bản ASFF do Ban Thư ký ASEAN chuẩn bị dựa trên yêu cầu của các phiên họp CCS trước. Các quốc gia bày tỏ quan điểm ban đầu về dự thảo, bao gồm tiềm năng của ASFF trở thành cấu trúc linh hoạt để hợp tác dịch vụ trong khu vực sâu hơn và thúc đẩy kết nối khu vực, khả năng ASFF thể hiện vai trò tiên phong và đóng góp vào việc thúc đẩy hội nhập dịch vụ đa phương, giải quyết các vấn đề về dịch vụ, đáp ứng các khuyến nghị từ đánh giá giữa kỳ Kế hoạch chi tiết AEC, và xem ASFF có thể ảnh hưởng đến lịch trình chuyển đổi NCM của các quốc gia.

CCS lưu ý ASFF có khả năng trở thành một trong những ưu tiên kinh tế của Indonesia trên vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023. CCS yêu cầu các quốc gia tham vấn nội bộ về dự thảo văn bản và đóng góp ý kiến cho các cuộc thảo luận tiếp theo. Trường hợp có liên quan, các quốc gia có thể đề xuất văn bản bổ sung, bao gồm hình thức thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua các Nhóm công tác ngành.

2. Hiệp định di chuyển thể nhân ASEAN (MNP)

Dựa trên kết quả của AEM 54th về nội dung MNP, CCS được giao nhiệm vụ thảo luận để phát triển Chương trình làm việc trong thời gian tới về MNP sau khi Nghị định thư MNP được ký kết. Theo đó, các quốc gia cần hoàn thiện các quy trình trong nước để ký Nghị định thư MNP và đảm bảo kịp thời trình các văn kiện về quyền hạn ký kết Nghị định thư lên Ban Thư ký ASEAN trong năm nay.

Liên quan đến Biểu cam kết cụ thể (SOC), Philippines thông báo có sự thay đổi về cơ quan phê duyệt nên chậm thông qua soc. Philippines sẽ chia sẻ bản không chính thức sau phiên họp để các quốc gia tham khảo. Philippines sẽ trình SOC chính thức trong thời gian sớm nhất, có thể trước cuộc họp Hội đồng AEC lần thứ 21.

3. Các nhóm công tác chuyên ngành

3.1. Dịch vụ chuyên môn (BSSWG)

CCS nhấn mạnh vấn đề di chuyển ngày càng trở nên quan trọng trong các nhóm công tác. Liên quan đến việc giảm yêu cầu về số năm kinh nghiệm theo MRA hiện có về Dịch vụ kiến trúc, CCS lưu ý sửa đổi này có thể được thực hiện về mặt hành chính do thay đổi này chưa đủ quan trọng để đưa lên SEOM và AEM. CCS khuyến khích BSSWG xem xét phát triển các tiêu chí cho các sửa đổi MRA trong tương lai. CCS yêu cầu Ban Thư ký ASEAN cung cấp tài liệu về các tiền lệ thay đổi trong việc thi hành ASEAN MRA để BSSWG và CCS thảo luận thêm trước khi đưa ra quyết định tại cuộc họp tiếp theo.

3.2. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe (HSSWG)

CCS ghi nhận các công việc của HSSWG và các nhóm trực thuộc trong việc tiến tới thực thi các MRA và sáng kiến chăm sóc sức khỏe theo Kế hoạch chi tiết AEC. Ngoài ra, CCS nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật thông tin trên trang web Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe ASEAN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các chuyên gia y tế bằng cách cung cấp các quy định và thủ tục liên quan.

3.3. Dịch vụ logistics

CCS ghi nhận tiến độ và sự tham gia tích cực của các thành viên LTSSWG. Sáng kiến của LTSSWG về việc công bố các biện pháp chính sách trên trang web hữu ích cho doanh nghiệp và đóng góp vào hợp tác CCS-OECD trong việc phát triển ASEAN STRL

4. Chương trình công tác của CCS đến năm 2025

CCS cập nhật các ưu tiên hằng năm của CCS, các biện pháp chưa hoàn thành từ Kế hoạch hành động chiến lược (SAP) cho dịch vụ 2016-2025 và các sáng kiến của ACRF đến năm 2025, kết hợp với đề xuất của Chủ tịch CCS tại cuộc họp trước.

CCS lưu ý nhiệm vụ xem xét Chương trình làm việc của MNP sau khi Nghị định thư MNP được ký kết. CCS đã thảo luận các điều khoản của Chương trình làm việc MNP có thể được đưa vào ASFF, có khả năng là ưu tiên kinh tế năm 2023.

Ngoài ra, CCS thảo luận về các sáng kiến và kế hoạch tiềm năng khác để tạo thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, chẳng hạn như thông qua tăng cường MRA, hợp tác thị thực, Cổng thông tin xin thị thực ASEAN hoặc một nền tảng ASEAN để làm cầu nối giữa cung và cầu của các ngành dịch vụ mà các chuyên gia ASEAN có thể tham khảo để tìm kiếm cơ hội làm việc trong khu vực.

5. Các nội dung khác

5.1. CCS-Japan/ERIA

Đại diện ERIA tóm tắt báo cáo cuối cùng của nghiên cứu về cung và cầu các dịch vụ chuyên môn trong ASEAN, báo cáo về việc thực hiện Dự án Xây dựng thương mại dịch vụ ASEAN 4.0. ERIA bày tỏ cam kết tiếp tục hỗ trợ cho dự án này thông qua việc thực hiện khóa đào tạo thứ hai trong năm 2023. CCS yêu cầu cho biết ngày dự kiến của khóa đào tạo và đề cử các chuyên gia từ các quốc gia tham gia khóa đào tạo.

CCS yêu cầu các quốc gia đề xuất các ưu tiên, đóng góp ý kiến về các hoạt động trước ngày 30/11/2022 để thực hiện các hoạt động tiếp theo liên quan đến khóa đào tạo (PHỤ LỤC 36).

5.2. Hỗ trợ kỹ thuật cho Timor Leste

CCS ghi nhận Timor Leste đã tham dự khóa đào tạo về thương mại dịch vụ ASEAN 4.0 nêu trên từ ngày 19-23/9/2022 tại Jakarta, Indonesia.

5.3. Chỉ số rào cản thương mại dịch vụ (STRI)

Hội nghị công nhận tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực về STRI cũng như cách các nước OECD đưa ra chính sách trong lĩnh vực dịch vụ. Trong bối cảnh đó, hội nghị khuyến khích các quốc gia tham gia hội thảo STRI và tháng 10/2022 để hiểu rõ hơn về cách sử dụng STRI để hỗ trợ các sáng kiến của ASEAN.

CCS yêu cầu các quốc gia đưa ra quan điểm trước ngày 30/11/2022 về các nội dung sau:

- Ý kiến về dự thảo báo cáo của OECD;

- Đề xuất mở rộng phạm vi ASEAN - STRI bao gồm 22 phân ngành dịch vụ hoặc chỉ một số phân ngành đã được xác định;

- Các sáng kiến tiếp theo.

6. Lịch tổ chức các cuộc họp CCS tiếp theo

6.1. Chủ tịch CCS

- CCS xác nhận Indonesia sẽ trở thành Chủ tịch CCS năm 2023.

- CCS thảo luận về sự cần thiết phải sắp xếp hợp lý các nhóm công tác trực thuộc và các cuộc họp liên quan, lưu ý sự gia tăng của các nhóm công tác trực thuộc ảnh hưởng đến ngân sách của các quốc gia và nguồn lực của Ban Thư ký ASEAN. Để hỗ trợ cân nhắc vấn đề này, CCS yêu cầu Ban Thư ký ASEAN liệt kê các nhóm công tác, xác định nhiệm vụ, hoạt động, tiến độ đạt được cũng như mức độ phù hợp trong việc đáp ứng các mục tiêu AEC. CCS yêu cầu các quốc gia tham vấn nội bộ với các bên liên quan để chuẩn bị cho các cuộc thảo luận sâu hơn tại cuộc họp tiếp theo.

6.2. Thời gian và địa điểm họp CCS tiếp theo

- CCS 103: 02/2023 tại Thái Lan (Chỉ CCS Leads), các nhóm công tác họp trực tuyến.

- CCS đặc biệt: Tháng 03 hoặc tháng 04/2023 tại Singapore.

- CCS 104: Tháng 5 hoặc tháng 6/2023 tại Indonesia.

- CCS 105: Tháng 9 hoặc tháng 10/2023 tại Malaysia (dự kiến).

 

 

[FILE ĐÍNH KÈM TRONG VĂN BẢN]

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.