Open navigation

Công văn 6466/CTHN-TTHT Xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 ---------------

Số: 6466/CTHN-TTHT
V/v xác định thu nhập chịu thuế TNCN

Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2022

 

Kính gửi: Công ty CP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam
(Đ/c: Tầng 29, tòa nhà Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54, đường Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội - MST: 0105301438)

Trả lời công văn số VEE_12.2021 của Công ty CP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam (sau đây gọi là Công ty) vướng mắc về xác định thu nhập chịu thuế TNCN, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

- Căn cứ Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp:

+ Tại Điều 4 quy định về đối tượng được hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp:

“Điều 4. Đối tượng được hỗ trợ

Người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01 tháng 10 năm 2021, không bao gồm các trường hợp sau:

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng được giảm đóng thì gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp 01 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị sự nghiệp công được phân loại tự chủ tài chính theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ”

+ Tại Điều 5 quy định mức đóng và thời gian thực hiện:

‘1. Giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Thời gian thực hiện giảm mức đóng: 12 tháng, kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022.

3. Hằng tháng, trong thời gian từ ngày 01 tháng 10 hãm 2021 đến hết ngày 30 tháng 9 năm 2022, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động.

- Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật thuế Thu nhập cá nhân:

+ Tại tiết b.6 điểm b khoản 2 Điều 2 quy định về các khoản phụ cấp, trợ cấp của người lao động:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.”

+ Tại tiết đ.3.2 và đ.7 điểm đ khoản 2 Điều 2 quy định các khoản lợi ích ngoài tiền lương, tiền công của người lao động:

“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ. 3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng...”

- Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 4102/TCT-DNNNCN ngày 25/10/2021 về chính sách thuế TNCN.

- Theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 4110/TCT-DNNNCN ngày 27/10/2021 về chính sách thuế TNCN.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; hoặc chi mua các trang thiết bị, vật tư y tế cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động thì khoản tiền này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Trong quá trình thực hiện chính sách thuế, trường hợp còn vướng mắc, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra số 9 để được hỗ trợ giải quyết.

Cục Thuế TP Hà Nội trả lời để Công ty CP Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam được biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phòng TTKT9;
- Phòng NVDTPC;
- Website Cục Thuế; .
 - Lưu: VT, TTHT(2).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




 Nguyễn Tiến Trường

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.