Open navigation

Quyết định 2550/QĐ-UBND ngày 22/06/2023 Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2550/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 6 năm 2023

 QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 601/QĐ-LĐTBXH ngày 05 tháng 7 năm 2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2393/QĐ-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố Hồ Chí Minh;

Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 12225/SLĐTBXH-GDNN ngày 05 tháng 6 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Tổng cục GDNN;
- Thường trực Thành ủy;
- TTUB: CT, PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Văn phòng Thành ủy;
- Các sở, ban, ngành TP;
- UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức;
- VPUB: PCVP/VX, KT;
- Phòng: VX, KT, TH;
 - Lưu: VT, (VX/Th2).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




 Dương Anh Đức



KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

(Kèm theo Quyết định số 2550/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cơ bản đến năm 2025

2.1. Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

- Có 70% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.

- Có 70% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng phát triển học liệu số.

2.2. Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo

- Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số đạt tỷ lệ 70%.

2.3. Hạ tầng, nền tảng và học liệu số

- Hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp Thành phố và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học.

- Hơn 70% các trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp Thành phố.

2.4. Quản lý số và quản trị số

- 100% các trường cao đẳng, trung cấp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.

- 100% báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện trên môi trường số và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

- Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý đạt 60%.

- Hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Mục tiêu cơ bản đến năm 2030

3.1. Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp

- 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số.

- 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng phát triển học liệu số.

3.2. Đổi mới và phát triển chương trình đào tạo

- Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đối số đạt tỷ lệ 100%.

3.3. Hạ tầng, nền tảng và học liệu số

- 100% các trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp Thành phố và quốc gia.

3.4. Quản lý số và quản trị số

- 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.

- Tỷ lệ kiểm tra chuyên ngành về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý đạt 80%.

- Liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin giáo dục nghề nghiệp.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

1.1. Rà soát, triển khai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan và chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

1.2. Áp dụng các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng thực hành số, giáo trình số, chương trình đào tạo số, ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, thực tế hỗn hợp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

1.3. Ban hành cơ chế, chính sách thu hút tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển, xây dựng hệ sinh thái số giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích việc tài trợ và đóng góp, ủng hộ vật chất cũng như các điều kiện khác thực hiện chuyển đổi số hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

1.4. Nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dạy, người học, nhà quản lý, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp.

1.5. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

1.6. Đơn vị phối hợp: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

1.7. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

2. Phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế

2.1. Xác định kiến thức và kỹ năng số cơ bản và nâng cao đối với người lao động trên môi trường số; lồng ghép vào chương trình đào tạo, các môn học liên quan tới kỹ năng số, công nghệ thông tin nhằm cung cấp các kỹ năng số cơ bản, nâng cao cho người học.

2.2. Dự báo các năng lực và kỹ năng số cần có của ngành, nghề, đặc biệt là các ngành nghề phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa và xây dựng mới chuẩn kiến thức, năng lực thực hiện cho các ngành nghề đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

2.3. Phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề chuyên về công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

2.4. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

2.5. Đơn vị phối hợp: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

2.6. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

3. Phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số

3.1. Hạ tầng số

- Tăng cường đầu tư, nâng cấp các trang thiết bị, hệ thống an toàn thông tin phục vụ quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Ưu tiên hình thức thuê, hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh, các thiết bị phát triển học liệu số... phục vụ cho quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

3.2. Hạ tầng dữ liệu

- Xây dựng nền tảng hạ tầng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ báo cáo tổng hợp và phân tích nhu cầu giáo dục nghề nghiệp, phân tích chất lượng dạy và học, hỗ trợ công tác tuyển sinh và các nghiệp vụ khác.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

3.3. Nền tảng số và học liệu số

- Đầu tư xây dựng nền tảng học liệu số toàn ngành giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc kết hợp học liệu mở với xây dựng thị trường trao đổi học liệu. Ưu tiên đầu tư, phát triển các học liệu số theo hướng ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường và thực tế hỗn hợp.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

4. Phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp và đổi mới phương pháp dạy và học

4.1. Đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng số cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp.

4.2. Triển khai tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng các phương pháp dạy và học mới cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, người dạy trong các đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ. Áp dụng hình thức học tập thích nghi, phối kết hợp hài hòa việc dạy và học trực tiếp tại trường với việc dùng các công nghệ, học liệu số, thiết bị thật, thiết bị ảo, phòng học ảo. Cá nhân hóa việc học tập.

4.3. Phát triển đội ngũ cán bộ chuyên về phát triển các ứng dụng số, học liệu số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

4.4. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4.5. Đơn vị phối hợp: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

4.6. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

5. Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước và quản trị nhà trường

5.1. Chuyển đổi số hoạt động quản lý nhà nước

- Triển khai hoạt động kiểm tra, hoạt động đảm bảo chất lượng, hoạt động đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Nâng cấp Cổng thông tin điện tử giáo dục nghề nghiệp của Thành phố, phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về giáo dục nghề nghiệp và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

5.2. Chuyển đổi số trong quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

- Phát triển, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất, đảm bảo kết nối, khai thác phục vụ xử lý thông tin theo yêu cầu quản lý, quản trị.

- Số hóa hoạt động của nhà trường, trong đó chú trọng đến quản lý tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, phát triển chương trình, quản lý nhà giáo, quản lý học sinh, sinh viên, kết nối doanh nghiệp.

- Đẩy mạnh việc đảm bảo chất lượng đối với việc dạy học trực tuyến.

- Triển khai việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đánh giá kỹ năng nghề trên môi trường số.

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

6. Nâng cao nhận thức và hợp tác quốc tế

6.1. Nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhà giáo về vai trò quan trọng và yêu cầu sớm triển khai chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm xây dựng, hình thành hệ sinh thái số giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của người học và mọi người dân trong nền kinh tế số, xã hội số.

6.2. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan; chú trọng biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có kết quả tích cực, mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, dạy và học từ chuyển đổi số để lan tỏa, nhân rộng.

6.3. Tăng cường trao đổi, học tập chia sẻ kinh nghiệm về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp với các quốc gia, tổ chức quốc tế.

6.4. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

6.5. Đơn vị phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

6.6. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

7. Huy động nguồn lực cho quá trình chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp

7.1. Ưu tiên nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

7.2. Huy động nguồn lực đầu tư, khuyến khích hợp tác theo đối tác công tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, từng bước hình thành mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp.

7.3. Tăng cường vận động sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế cho hoạt động chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp.

7.4. Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7.5. Đơn vị phối hợp: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

7.6. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2030.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, trong đó:

1. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên (ngân sách Thành phố, quận, huyện đảm bảo trong dự toán được giao hàng năm của các sở, ngành, đơn vị có liên quan để thực hiện nhiệm vụ theo Kế hoạch này) và chi đầu tư phát triển (trên cơ sở nguồn vốn, khả năng cân đối của Thành phố), trong đó tăng cường lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đã được phê duyệt.

2. Huy động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư, tài trợ kinh phí để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

3. Nguồn thu hợp pháp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện gửi Ủy ban nhân dân Thành phố và cơ quan chức năng có liên quan.

- Tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện quá trình chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch; kịp thời đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết những vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện kế hoạch.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải pháp kỹ thuật triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đảm bảo tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố; hướng dẫn giải pháp kỹ thuật tích hợp và liên thông dữ liệu về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí dự toán kinh phí để triển khai thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính tham mưu việc bố trí vốn đầu tư công cho các dự án trên cơ sở nguồn vốn, khả năng cân đối của Thành phố để thực hiện Kế hoạch này.

5. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức

Cụ thể hóa nội dung tại Kế hoạch này, bố trí kinh phí thực hiện trong các chương trình, kế hoạch triển khai hàng năm; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý triển khai các nội dung liên quan theo đúng quy định.

6. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố

Căn cứ tình hình thực tế tại đơn vị và nội dung tại Kế hoạch này, cụ thể hóa, bố trí kinh phí triển khai thực hiện hàng năm theo đúng quy định.

V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

Căn cứ Kế hoạch này, yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố theo nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện; báo cáo định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 12) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu) gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.