Open navigation

Công văn 3132/LĐTBXH-VP ngày 10/08/2023 Trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
 -------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3132/LĐTBXH-VP

V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2023 

 

Kính gửi:

- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng;
 - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh: An Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng và Hòa Bình do Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến tại Công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023, nội dung như sau:

“Đề nghị có chính sách quy định cụ thể về bữa ăn giữa ca cho người lao động, vì hiện nay công nhân lao động làm việc theo ca, rất cần bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh, an toàn thực phẩm để có nhiều sức khỏe tham gia lao động sản xuất” (Kiến nghị số 142).

“Kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét có quy định theo hướng ăn ca là một chế độ của người lao động được hưởng theo quy định pháp luật và có sự thống nhất về mức ăn ca (có thể quy định gắn với mức tiền lương tối thiểu vùng). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp làm việc theo ca đã bố trí bữa ăn ca cho người lao động với mức từ 15.000 đến 30.000đồng/bữa. Tuy nhiên, đây không phải là một chế độ theo quy định pháp luật mà là do kết quả thương lượng giữa công đoàn với người sử dụng lao động hoặc là chính sách riêng của từng doanh nghiệp nên có doanh nghiệp thì có, có doanh nghiệp thì không; mức ăn ca cũng không đồng đều, có những doanh nghiệp thực hiện mức ăn ca rất thấp, không đảm bảo dinh dưỡng để tái tạo sức khỏe cho người lao động” (Kiến nghị số 159).

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định của pháp luật về lao động hiện hành, tiền lương được thể chế theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, phù hợp với các cam kết quốc tế, theo hướng trao quyền tự chủ cho người lao động, người sử dụng lao động trong việc thương lượng, thỏa thuận và quyết định cơ chế trả lương, các mức tiền lương cụ thể dựa trên công việc đảm nhận, năng suất lao động và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Đối với bữa ăn giữa ca, Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động. Theo đó, “bữa ăn giữa ca” là chế độ khuyến khích tùy thuộc vào kết quả thương lượng, thỏa thuận của người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở với người sử dụng lao động. Vì vậy, đề nghị cử tri có ý kiến gửi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn phát huy vai trò của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp trong việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động thông qua đối thoại, thương lượng về các chế độ, quyền lợi (trong đó có bữa ăn giữa ca) đối với người lao động.

Trên đây là trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: An Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng và Hòa Bình để trả lời kiến nghị của cử tri./.

 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tổng LĐLĐVN;
- Chủ nhiệm VPQH;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Bộ LĐTBXH: Lãnh đạo Bộ, Cục QHLĐTL;
- Thường trực HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh: An Giang, Quảng Ninh, Quảng Nam, Cao Bằng, Hòa Bình;
- Lưu: VT, TH(NTL).

BỘ TRƯỞNG




 Đào Ngọc Dung

 

Tải về văn bản (file PDF):

Câu trả lời này có giúp ích cho bạn không? Yes No

Send feedback
Rất tiếc là chúng tôi không giúp được nhiều. Hãy giúp chúng tôi cải thiện bài viết này bằng phản hồi của bạn.